(TNO) Siêu động đất, sóng thần ngày 11.3.2011 và kéo theo rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã làm cuộc sống của hàng trăm ngàn người Nhật thay đổi. Đặc biệt, qua một năm, “bóng ma” về việc nhiễm xạ vẫn là nỗi ám ảnh người dân trong khu vực này.
“Thị trấn chết”
Iitate từng là một vùng nông thôn thanh bình, hoạt động kinh tế chính là nông nghiệp, với thương hiệu thịt bò nổi tiếng. Tuy nhiên, sau ngày 11.3 kinh hoàng năm ngoái, nơi đây đã trở thành “thị trấn chết”. Một năm sau, người dân từng sống ở Iitate đã ra đi đều không có ý định quay trở về.
|
Iitate nằm ở bờ biển phía đông bắc nước Nhật, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi 35km về phía tây bắc. Mặc dù, ban đầu nhà chức trách Nhật cho rằng những khu vực ngoài bán kính 20km của nhà máy điện hạt nhân Fukushima không nằm trong phạm vi ảnh hưởng rò rỉ phóng xạ; tuy nhiên, khi vụ nổ ở các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện xảy ra, Iitate đã hứng trọn trận gió mang theo các hạt phóng xạ cao hơn dự đoán ban đầu của các cơ quan chức năng.
Các nhà khoa học đã xác định thị trấn bị ô nhiễm phóng xạ nặng. Những đồng vị phóng xạ độc hại của các lò phản ứng hạt nhân bị rò rỉ đã làm thay đổi vùng đồng quê nhỏ bình yên này.
Toàn bộ người dân tại Iitate đã được sơ tán, tái định cư ở nhiều nơi. Trung tâm hành chính của Iitate cũng được chuyển đi đến một thị trấn nhỏ khác cách đó 20km.
|
Có khoảng 6.000 người đã rời khỏi Iitate, để lại sau lưng nhà cửa, hàng quán trống trải. Hôm nay, ở đây, tất cả đều hoang tàn, vắng lặng. Các hộp thư, buồng điện thoại, máy bán hàng tự động được niêm phong. Quầy, kệ của các cửa hàng tạp hóa trống trơn.
Trên các đường quê, các khu đất trống hoang, nơi trước đây luôn nhộn nhịp âm thanh làm việc của máy kéo, hay tiếng kêu của gia súc ầm ĩ, nay đều hoang hóa.
Thỉnh thoảng, sự yên lặng bị phá vỡ bởi tiếng sủa của một con chó hoang hay tiếng xe cảnh sát tuần tra để ngăn chặn nạn cướp bóc. Sau đó mọi thứ lại trở lại trạng thái “chết”.
Cam go để trở về
Hiện nay, dân cư của vùng chỉ còn lại khoảng 100 người già của viện dưỡng lão. Họ quá lớn tuổi để có thể sơ tán, di chuyển đến nơi khác. Đồng thời, mỗi ngày, một số y tá, nhân viên vẫn vào thị trấn đến viện để chăm sóc họ.
|
“Tôi biết, tôi sẽ chết ở đây”, Hatsui Akaishisawa, một cụ bà 80 tuổi nói khi bà đang cố hơ khô tấm thảm ướt ở bên ngoài khu nhà tạm ở Matsukawa, một khu nhà tị nạn lớn của dân làng Iitate.
“Tất nhiên là tôi muốn trở về nhà nhưng điều đó đâu còn ý nghĩa gì khi chúng tôi không thể tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất đó”, bà nói. Thế nên, sau một năm của thảm họa, bà Akaishisawa đành xót xa: “bây giờ thì tôi đã từ bỏ ý định trở về”.
Gần đây nhất, vào tháng 2, ông Norio Kanno, thị trưởng của Iitate, cho biết thị trấn vẫn còn là "một vùng đất ma" trong một bài phát biểu khi ông được mời đến một lễ hội âm nhạc ở New York, Mỹ.
Mặc dù ông Kanno cam kết rằng tất cả người dân sẽ có thể về nhà nhưng nhiều người hoài nghi.
|
“Tương lai của Iitate không phải là màu hồng mà đầy gai góc”, ông Shigeru Hanai, một thợ cắt tóc 50 tuổi, người đã tạm thời quay về để mở cửa hàng của mình ở Iitate, nói.
“Ngay cả nếu chúng ta đang nói: “Bạn có thể về nhà” thì làm thế nào tôi có thể kinh doanh mà không có khách hàng?”, Hanai băn khoăn.
Còn Masako Kobayashi, một lão nông 79 tuổi, nhìn nhận: "Ngay cả nếu chúng tôi có thể trở về nhà, chúng tôi cũng không nuôi bò được nữa. Chúng tôi còn không có thể trồng ngay cả một cây rơm để nuôi chúng bởi vì bức xạ".
Nhưng không phải tất cả mọi người đều mất hy vọng. Mihori Takahashi, 30 tuổi, đã cùng chồng trở về nhà ở Iitate. Cô cho biết có thể hiểu lý do tại sao những người cùng thế hệ với cô lảng tránh thị trấn vì họ lo cho sức khỏe của con em họ.
"Nhưng tôi quyết tâm trở lại Iitate với chồng. Một số dân làng cao tuổi nói rằng họ muốn trở về để chết ở đó. Nhưng tôi muốn quay trở lại sống ở đó", Takahashi khẳng định.
Chính phủ Nhật Bản cho biết có kế hoạch đánh giá lại khu vực sơ tán ở Fukushima vào cuối tháng 3 này, để tính toán lại mức độ ô nhiễm của khu vực.
|
Điều này có nghĩa là Iitate sẽ được chia nhỏ thành nhiều khu vực khác nhau. Một số nơi có thể tuyên bố an toàn ngay lập tức, một số nơi có thể phải tiếp tục công việc khử nhiễm và một số nơi vẫn bị giới hạn.
Tuy nhiên, theo nhiều giới chức và các chuyên gia, nhiệm vụ khôi phục lại các thị trấn, làng mạc trong khu vực bị ô nhiễm phóng xạ rất phức tạp, với chi phí cao. Nhiều khu vực bị ô nhiễm không thể ở được trong nhiều thập niên và việc ngừng hoạt động của các lò phản ứng dự kiến sẽ mất 40 năm.
Hiện nay, Nhật Bản chỉ mới bắt đầu quá trình dọn dẹp ô nhiễm phóng xạ, quá trình hứa hẹn sẽ kéo dài hàng thập niên tại những vùng sơ tán xung quanh nhà máy điện hạt nhân.
Viên An
(theo AFP)
Bình luận (0)