Vùng kinh tế 500 tỉ USD của Ả Rập Xê Út

29/10/2017 09:20 GMT+7

Vùng kinh tế 500 tỉ USD sẽ là một điểm đến hàng đầu thế giới về công nghệ và tạo ra sự đa dạng cho nền kinh tế của vương quốc dầu mỏ Ả Rập Xê Út.

Ả Rập Xê Út ngày 24.10 thông báo nước này đã khởi động đại dự án có vốn đầu tư 500 tỉ USD nhằm xây dựng một vùng công nghiệp, thương mại gọi là Neom nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc xuất khẩu dầu mỏ, theo CNN.
Dự án tham vọng
Được xem là dự án tham vọng nhất thế giới, Neom sẽ được xây dựng trên 470 km dọc bờ biển Đỏ và vịnh Aqaba phía tây bắc Ả Rập Xê Út, rộng 26.500 km2 - gấp 33 lần kích thước của thành phố New York (Mỹ). Vùng kinh tế này nằm tại vị trí chiến lược, gần một trong những tuyến hàng hải huyết mạch là kênh đào Suez. Điều này được cho là sẽ thúc đẩy sự trỗi dậy nhanh chóng của Neom như một trung tâm toàn cầu, kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. Tham vọng của những nhà hoạch định tại Riyadh là tạo điều kiện để 70% dân số ở các nơi trên thế giới có thể đến được Neom trong vòng 8 giờ. Kế hoạch của dự án gồm xây dựng một cây cầu bắc qua biển Đỏ, kết nối Ả Rập Xê Út với Ai Cập và phần còn lại của châu Phi; phát triển những vùng siêu đô thị hiện đại trải dài trên 2 nước này và Jordan.
Là trung tâm thương mại của cả nước, Neom sẽ tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nước, công nghệ sinh học, thực phẩm, sản xuất tiên tiến và giải trí. Bên cạnh đó, nhằm đạt được mục tiêu là một vùng kinh tế của tương lai, toàn bộ khu vực Neom sẽ sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Ngoài ra, toàn bộ hoạt động tại đây sẽ được tự động hóa, trong đó robot, xe tự hành và trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò chính thay thế con người. "Mọi dịch vụ và hoạt động tại Neom sẽ được tự động 100% với mục đích biến khu vực thành nơi có năng suất cao nhất thế giới", Quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út (PIF), nhà đầu tư chính của Neom, tuyên bố.
Mục tiêu của dự án là thu hút đầu tư và đóng góp 100 tỉ USD cho GDP của Riyadh vào năm 2030. Theo thái tử Mohammed bin Salman (Chủ tịch PIF), Neom sẽ có luật lao động và thuế riêng, được tự trị về hệ thống tư pháp. "Đây là nơi sẽ dành cho những người mộng mơ, những người muốn tạo ra điều gì đó mới và phi thường trên thế giới này", thái tử Mohammed tuyên bố.
Thách thức
Để đạt được điều này, Ả Rập Xê Út sẽ cần một nguồn tài chính và công nghệ kỹ thuật khổng lồ. Phát biểu tại hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai ở thủ đô Riyadh ngày 24.10, thái tử Mohammed cho biết chính phủ Ả Rập Xê Út đã cam kết chi 500 tỉ USD cho siêu dự án này. Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế cũng được kêu gọi tham gia góp vốn.
Ông Klaus Kleinfeld, cựu Tổng giám đốc điều hành hãng điện khí hàng đầu của Đức là Siemens AG, đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo đại dự án này. Theo CNBC, giai đoạn 1 của Neom sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Dự án Neom cũng là nỗ lực của Ả Rập Xê Út nhằm tạo ra sự đổi mới, đưa nền kinh tế thoát khỏi sự lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm theo kế hoạch tiên phong của thái tử Mohammed, được gọi là “Tầm nhìn 2030”. Tuy nhiên, nước này được đánh giá vẫn chưa tạo ra cải cách nào mang tính đột phá ngoài quyết định dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe hồi tháng 9.
Tình trạng quan liêu bị cho là đã làm chậm tiến độ của nhiều dự án phát triển tại Ả Rập Xê Út và nhiều nhà đầu tư tư nhân tỏ ra dè dặt trong việc tham gia vào các dự án nhà nước một phần vì môi trường pháp lý không ổn định. Ngoài ra, giới quan sát nhận định rằng dù Neom là dự án mới và có nhiều tiềm năng, vương quốc dầu mỏ cần làm rõ hơn kế hoạch của mình thay vì chỉ đưa ra những thông báo rầm rộ nhưng không đem lại kết quả. Thái tử trẻ tuổi Mohammed cũng cho thấy ông hiểu rõ những thách thức này khi nói rằng “mơ ước là một điều dễ dàng, còn thực hiện nó mới là điều khó khăn”. 
Ả Rập Xê Út cấp quyền công dân cho robot
Ả Rập Xê Út cấp quyền công dân cho robot
Ảnh: Reuters
Ngay trước hội nghị kinh tế ngày 25.10 tại thủ đô Riyadh, Ả Rập Xê Út đã cấp quyền công dân cho robot tên Sophia (ảnh, trái) và trở thành nước đầu tiên làm điều này, theo tờ Arab News. Trước công chúng tại hội nghị, Sophia nói với chất giọng và hình dáng của một phụ nữ: “Đây là sự kiện lịch sử khi trở thành robot đầu tiên trên thế giới được công nhận tư cách công dân”. Ông David Hanson, thuộc Công ty Hanson Robotics (trụ sở Hồng Kông), sáng chế ra robot này với mục đích ban đầu là giúp đỡ người lớn tuổi tại các trung tâm dưỡng lão và hỗ trợ khách đậu xe. Sophia được thiết kế với những camera và phần mềm trí tuệ nhân tạo giúp robot có thể giao tiếp bằng mắt và nhận ra con người.
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.