Mặc dù là địa phương có cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đứng hàng đầu của tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu nhưng nhiều năm qua TP.Vũng Tàu vẫn luôn trong tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, gây khó khăn đến việc dạy và học; nhất là khối mầm non và tiểu học.
Trường lớp quá tải
Tại Hội nghị xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức và điều chỉnh quy mô trường, lớp phù hợp với biên chế do UBND UBND TP.Vũng Tàu tổ chức vào ngày 20.3, ông Nguyễn Lập- Chủ tịch UBND TP cho hay: “Trong những năm qua dân số của thành phố tăng nhanh dẫn đến lượng học sinh trong độ tuổi các cấp học ngày càng tăng mạnh”. Theo thống kê, mỗi năm tại địa phương này, số học sinh ở bậc mầm non tăng khoảng 1.000 em; bậc tiểu học tăng khoảng 800 em và THCS tăng khoảng 600 em. Do số lượng học sinh tăng nhiều nên một số trường phải tăng quy mô lớp học, dẫn đến chưa đáp ứng được việc dạy học hai buổi và bán trú ở cấp tiểu học. Cụ thể, như Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân có 64 lớp với 2.505 học sinh, Trường tiểu học Phước Thắng có 73 lớp với 2.806 học sinh…
Dù tăng lớp nhưng theo ông Lập, từ năm học 2015 – 2016 đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ giao biên chế cho trường mới thành lập. “Trong lúc trường cũ tăng lớp, tăng học sinh thì không giao nên dẫn đến việc thiếu giáo viên đứng lớp. Trước thực trạng này, UBND TP.Vũng Tàu đã giao cho Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức và điều chỉnh quy mô trường, lớp phù hợp với biên chế được giao”, ông Lập cho hay.
Sáp nhập để giảm biên chế
Theo đó, để đảm bảo đáp ứng với tình hình sắp xếp tinh giảm biên chế, chất lượng dạy, học và phù hợp với cơ sở vật chất các trường, Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT đề ra 4 phương án. Thứ nhất, TP.Vũng Tàu xác định lại tỷ lệ học sinh/lớp và định mức giáo viên/lớp.
Phương án này, giảm được 73 lớp học nhưng vẫn duy trì được viêc dạy học 2 buổi/ngày, tiết kiệm 67 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Thứ hai, thực hiện bố trí kiêm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ phục vụ. Nếu áp dụng phương án này, tiết kiệm được 46 biên chế viên chức. Thứ ba, thực hiện sáp nhập các trường nhà trẻ, mầm non có quy mô nhỏ, cùng địa bàn.
Cụ thể, năm học 2018 – 2019, TP.Vũng Tàu sẽ sáp nhập Nhà trẻ Kim Đồng vào Trường mầm non Hòa Mi (P. Rạch Dừa) tiết kiệm được 6 biên chế; sáp nhập Trường mầm non Cỏ May vào Trường mầm non Phước Thắng (P.12) tiết kiệm 3 biên chế. Năm học 2019 – 2020, tiếp tục sáp nhập Trường mầm non Sơn Ca vào Trường mầm non Sao Mai (P.4) tiết kiệm 7 biên chế; sáp nhập Trường mầm non 20 Tháng 10 vào Trường mầm non Phường 3 (P.3) cũng tiết kiệm được 7 biên chế.
Tương tự, năm học 2020 – 2021, một số trường mầm non trên địa bàn các P.9, P.Thắng Nhì, P.10 được sáp nhập cũng tiết kiệm 18 biên chế cho thành phố. Phương án cuối là hoàn thành xây mới 2 trường mầm non cùng 1 trường tiểu học (đưa vào sử dụng từ năm học 2018-2019). Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho biết: “Áp dụng phương án trên, từ năm học 2018 – 2019, dự kiến biên chế sự nghiệp giáo dục toàn thành phố tiết kiệm được 102 biên chế so với số đã giao cho các trường năm học 2017 – 2018”.
Kết luận tại hội nghị, ông Lập giao cho các phòng, ban khẩn trương xây dựng lại phương án sắp xếp điều chỉnh quy mô trường lớp trên cơ sở biên chế được giao năm học 2018-2019. Ông Lập cũng kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao biên chế sớm trước khi bước vào năm học mới.
Bình luận (0)