Vùng trũng liên hoan ảnh nghệ thuật

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/08/2022 06:42 GMT+7

Bất chấp việc Hà Nội là địa phương có nhiều tay máy chuyên nghiệp chọn làm nơi lập nghiệp, các Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội chưa bao giờ có chất lượng tương xứng.

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, có cái nhìn khá tích cực về Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội năm nay (vừa diễn ra từ ngày 19 - 21.8 tại Hà Nội). “Nhìn chung, chất lượng ảnh dự liên hoan lần này tốt hơn các năm trước, nhưng chưa có đột phá”, bà Trần Thị Thu Đông nói tại khai mạc liên hoan này. Năm nay cũng là năm Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội “thay máu” với lãnh đạo mới.

Tác phẩm Hà Nội đến để yêu

Phạm Đình Thành

Tuy nhiên, nhiều bức ảnh trong liên hoan khiến người xem ngạc nhiên vì sự buồn tẻ của tư duy. Chẳng hạn, bức ảnh Hà Nội đến để yêu của tác giả Phạm Đình Thành có một thanh niên nước ngoài đang nâng máy ảnh lên, mắt nhìn về phía trước, hoàn toàn không rõ anh đang nhìn gì. Vị trí của nhân vật, cũng như đôi mắt của nhân vật khiến sự kết nối của anh với khung cảnh vườn đào nở đỏ trở nên rất lỏng lẻo. Một tác phẩm khác, VN thân thiện của Trần Đức Anh, lại chụp hình một nhóm khách nước ngoài và người trong nước đang cùng chụp ảnh tự sướng. Bố cục tác phẩm không có gì nổi bật dù rất chỉn chu. Tác phẩm Đại sứ quốc tế trải nghiệm Tết xứ Đoài của Phạm Ngọc Diệp thể hiện hai người nước ngoài mặc áo dài ngồi xem và có vẻ đang muốn gói bánh chưng.

Nhiếp ảnh gia Lê Việt Hùng, cũng là một giảng viên nhiếp ảnh, cho biết ngắm tác phẩm thì có thể thấy một cái dở là hễ có nhân vật người nước ngoài là gắn vào đó thông điệp ngưỡng mộ, thân thiện văn hóa Việt. Trong khi những bức ảnh đó chỉ như ảnh lưu niệm, không hơn. “Xem một lượt ảnh, những ảnh như thế có thể thấy hầu hết là mô típ quen thuộc. Tôi nghĩ, những kiểu ảnh như về thân thiện, ngưỡng mộ văn hóa, sau này nên bỏ bớt. Nói chung không nên ép ý như thế trong một triển lãm nhiếp ảnh”, ông Hùng nói.

Điều dở nhất của triển lãm, theo ông Hùng, chính là: “Thấy quen quen thôi mà không có thành tố sáng tạo mới gì”. Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng không có những lỗi cơ bản về chụp ảnh như những lần trước, kiểu bị mất nét hay nhân vật bị nhắm mắt nhắm mũi.

Ông Hùng cũng công nhận có một độ vênh giữa các nhiếp ảnh gia đang sống ở Hà Nội và tác phẩm trong liên hoan này. Cụ thể, có nhiều người giỏi nhưng không đi thi. “Thực ra có thể có nhiều người không quan tâm nên họ không thi. Cũng có nhiều người chụp tốt nhưng không quan tâm đến việc thi. Hoặc những người chụp tốt từng mang đi thi lại không được gì. Nhiều lần như thế họ không đi thi nữa…”, ông Hùng nói.

Một nhiếp ảnh gia khác cho rằng việc trao giải lộn xộn ở những kỳ liên hoan trước chắc chắn sẽ còn hệ lụy cho sự kiện này một thời gian. Nhiều khi các nhiếp ảnh gia cũng có thói quen xem trưng bày trước đó để làm bài. Thói quen này cũng kéo theo việc người ta cứ chụp những ý tứ như thế để được giải. Giải sẽ chán dần theo cách đó.

Về đường dài, ông Hùng cho rằng quan trọng là phải thay đổi tư duy. “Phải không chấp nhận tác phẩm theo kiểu chụp các ý tứ như cũ, thì việc ảnh năm này giống ảnh năm trước mới mất đi”, ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.