Vươn ra thị trường ngoại

25/07/2012 14:45 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng đầu tư bán hàng ra thị trường nước ngoài. Kết quả ban đầu cho thấy đây là hướng đi khả quan.

Sức mua kiệt quệ trong thời gian dài, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa kịp phát huy tác dụng khiến không ít doanh nghiệp (DN) gấp rút tìm đường xoay xở. Để tìm đường sống, một số DN đã mạnh dạn tìm cơ hội làm ăn tại các thị trường lân cận và bước đầu gặt hái thành quả. Khái niệm “doanh nhân ASEAN+1”, “doanh nhân WTO” bắt đầu được các DN quan tâm.

“Đánh” hàng sang Trung Quốc

Không kể đến những dự án “tỉ đô” đầu tư ra nước ngoài vào các dự án công nghiệp năng lượng, bất động sản, lâm nghiệp, nông nghiệp…, hiện một số ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, sản xuất thương mại cũng tiến ra thị trường nước ngoài.

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc (TQ) là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ xếp sau Mỹ, EU, Nhật Bản và chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong đó là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tháng 5 vừa qua, đoàn DN Việt Nam đã có chuyến khảo sát thị trường TQ. Sau chuyến đi, nhiều DN nhận ra rằng đi bằng con đường chính ngạch, đưa hàng thẳng vào siêu thị TQ là cơ hội lớn cho các DN Việt.

 Vươn ra thị trường ngoại
Khách hàng dùng thử sản phẩm của Vinamit tại một siêu thị ở Trung Quốc - Ảnh: Vũ Nguyên

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, năm 1997, Vinamit quyết định “đánh” vào thị trường TQ và các nước Đông Nam Á. Hiện Vinamit đã mở văn phòng đại diện tại TQ, doanh thu từ thị trường đông dân nhất thế giới này chiếm hơn 50% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty (doanh thu của Vinamit năm 2011 tại TQ là 400 tỉ đồng). Từ đầu năm đến nay, trong khi doanh thu tại thị trường nội địa giảm khoảng 20%-30% thì tại thị trường TQ, tăng trưởng bình quân đều đặn ở mức 20%.

Không chỉ Vinamit, một số DN đã có mặt lâu năm tại thị trường TQ và xây dựng nhà máy sản xuất tại đó. Chẳng hạn, Công ty Cân Nhơn Hòa đã mở nhà máy tại Quảng Tây từ năm 2010, chuyên nghiên cứu và sản xuất cân lò xo.

 

May mặc Việt xuất ngoại 

Trong lĩnh vực may mặc, Thời Trang Việt là một trong số ít công ty sớm mở cửa hàng tại nước ngoài. Hiện công ty đã có 4 cửa hàng Ninomaxx (hoạt động theo hình thức nhượng quyền thương mại) tại Mông Cổ, Ai Cập, Sydney (Úc), đảo New Caledonia (Pháp).

Năm tháng đầu năm 2012, công ty đã bán được 190 mẫu thời trang với tổng cộng 110.000 sản phẩm tại 4 cửa hàng này. Theo ông Nguyễn Hữu Phụng, Chủ tịch HĐQT công ty, đây là kết quả rất khả quan, các cửa hàng có cơ hội phát triển tốt trong thời gian tới.

Hiện Thời Trang Việt đang chuẩn bị tham gia thị trường các nước lân cận, gần nhất là Campuchia.

Các thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đang xúc tiến thuê mặt bằng tại một trung tâm đồ gỗ tại TQ để trưng bày, bán sản phẩm. Một số sản phẩm của Vifon, Bích Chi, SG Food, Tân Quang Minh… đã có mặt tại các siêu thị ở TQ thông qua kênh phân phối của Vinamit.

Theo thông tin từ Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện đã có hơn 20 DN Việt Nam thâm nhập thị trường TQ bằng các sản phẩm tinh chế. Thị trường TQ vẫn còn khá nhiều “dư địa”, sức mua cao gấp nhiều lần so với người Việt nên rộng “đất” cho DN Việt.

Tại các siêu thị của TQ đã có hàng Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia…, nhu cầu của người TQ về sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản thực phẩm, là có thực và không nhỏ. Lợi thế của DN Việt là gần thị trường này, chi phí vận chuyển hàng vào TQ thấp (chỉ bằng 1/6 so với giá cước vận chuyển sang Mỹ). Xu hướng người tiêu dùng TQ cũng đang ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu.

Khai phá thị trường mới

Ngoài TQ, nhiều DN đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch làm ăn tại thị trường Campuchia và một số nước khác. Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế (ICC) đang xúc tiến đầu tư nhà máy sản xuất tại Myanmar.

Công ty CP SG Food cũng đang gấp rút xúc tiến bán hàng qua Campuchia. Theo bà Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc SG Food, tiêu thụ tại thị trường nội địa quá èo uột. Trong khi đó, thị trường các nước lân cận có nhu cầu, sở thích, khẩu vị không khác biệt nhiều so với người Việt nên DN rất muốn tận dụng dây chuyền nhà máy sẵn có để sản xuất thêm hàng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết Vissan đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để mở văn phòng đại diện tại Campuchia. Những năm qua, Vissan đã xuất hàng sang Campuchia qua các đại lý và quyết định đầu tư 1 triệu USD để phát triển thị trường này. Sau khi mở văn phòng đại diện, Vissan sẽ thiết lập hệ thống phân phối tại thị trường này và làm bàn đạp để phát triển sang thị trường Lào. Bước đầu, sẽ đưa sang Campuchia những mặt hàng khô như xúc xích, đồ hộp…

Cũng đánh giá cao tiềm năng thị trường Campuchia, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đang tích cực tìm kiếm mặt bằng rộng khoảng 5.000 - 8.000 m2 để mở siêu thị. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết người dân Campuchia ưa thích hàng Việt, thị trường bán lẻ ở đây cũng đang phát triển, sức mua khá tốt.

“Ngoài Campuchia, chúng tôi cũng đang tìm đối tác ở Lào. Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt ra nước ngoài, trước mắt là các nước trong khu vực, là định hướng chiến lược của Saigon Co.op. Lần đầu “mang chuông đi đánh xứ người”, chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ” - bà Hạnh chia sẻ.

Kỳ tới: Tránh cạm bẫy trên sân khách

Theo Thanh Nhân / Người Lao Động

>> Thị trường ngoại tệ “rung lắc”
>> Tăng tỷ giá liên ngân hàng, bình ổn thị trường ngoại tệ
>> Ổn định thị trường ngoại hối phát triển kinh tế xã hội
>> Áp dụng biên độ tỷ giá mới: Thị trường ngoại tệ chỉ gợn "sóng
>> Thị trường ngoại hối: Biên độ tỷ giá ngoại tệ được điều chỉnh lên ±0,5%
>> Acer mở rộng thị trường ngoài PC trong năm 2006

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.