Vướng mắc liên thông ĐH cho người học trung cấp, vì sao?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
05/07/2024 06:07 GMT+7

Quy chế tuyển sinh ĐH, quyết định liên thông giữa trình độ trung cấp, CĐ với ĐH đều cho phép người tốt nghiệp trình độ trung cấp đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định Bộ GD-ĐT được dự tuyển ĐH. Nhưng trên thực tế có trường chấp nhận, trường từ chối.

NHIỀU TRƯỜNG CHỈ NHẬN NGƯỜI CÓ BẰNG TỐT NGHIỆP THPT

Từ nhiều năm nay, các trường trung cấp, CĐ được tuyển sinh và đào tạo học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp (9+). Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những HS này phải học khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) nhằm giúp HS phát triển tốt nhất năng lực nghề nghiệp và những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Vướng mắc liên thông ĐH cho người học trung cấp, vì sao?- Ảnh 1.

Học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp hệ 9+ bị hạn chế liên thông do có trường ĐH nhận, có trường không

ẢNH: MỸ QUYÊN

Sau khi đã học và thi đạt yêu cầu, HS được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, những HS có bằng trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành môn văn hóa, sẽ không thể thi kỳ thi tốt nghiệp THPT để có bằng tốt nghiệp THPT do chỉ học 4 môn. HS nào muốn có bằng tốt nghiệp THPT phải đăng ký học chương trình giáo dục thường xuyên gồm 7 môn và đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT năm 2022, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định, thuộc đối tượng được dự tuyển. Tương tự, tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ CĐ với trình độ ĐH, đây cũng là đối tượng được dự tuyển cả hình thức chính quy và vừa làm vừa học.

Quy định đã cụ thể, rõ ràng, nhưng trên thực tế, có trường ĐH chấp nhận, có trường không. Chẳng hạn trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH Tài chính - Marketing, Tôn Đức Thắng, Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có xét tuyển ĐH đối tượng HS tốt nghiệp trung cấp. Trong đó Trường ĐH Tài chính - Marketing và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có nhận liên thông với đối tượng này. Nhưng tại các trường như Sư phạm kỹ thuật, Công nghiệp TP.HCM, Công thương TP.HCM, Nông Lâm TP.HCM, Kinh tế - Luật, Cần Thơ... chỉ nhận xét tuyển ĐH với thí sinh tốt nghiệp THPT và chỉ tuyển liên thông với người tốt nghiệp CĐ, không nhận trung cấp hệ 9+.

Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM), nhận định: "Hiện nay việc xét tuyển vào ĐH còn nhiều hạn chế với HS trung cấp hệ 9+ do nhiều trường yêu cầu thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Đây cũng là một rào cản khiến khó thu hút HS sau THCS đi học trung cấp như mục tiêu của công tác phân luồng".

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM), cũng cho biết: "Trường từng liên hệ với một số trường ĐH để hỗ trợ HS liên thông nhưng rất ít trường chấp nhận. Phần lớn các trường vẫn muốn người học liên thông phải có bằng tốt nghiệp THPT".

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KHÔNG TƯƠNG THÍCH, KHÓ CHUYỂN ĐỔI

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết trường không tuyển sinh liên thông từ trung cấp do số lượng đăng ký không nhiều. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo trung cấp, CĐ thuộc bộ LĐ-TB-XH có nhiều khác biệt so với chương trình đào tạo ĐH nên khi chuyển đổi tín chỉ khá phức tạp. Thậm chí HS phải học lại từ đầu do không chuyển đổi được.

Cũng cùng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng do chương trình học giữa 2 hệ thống không tương thích với nhau, việc xét miễn học phần tương đương rất khó. "Bên cạnh đó, nếu điều kiện đầu vào là thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT, thì các em học ĐH thuận lợi hơn do nền tảng kiến thức các môn văn hóa tốt hơn", thạc sĩ Khang cho hay.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM lại thẳng thắn lý giải vì e ngại HS không đủ năng lực để học ĐH nên trường không xét đối tượng này. "Phần lớn HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp là do học không tốt các môn văn hóa nên không đậu vào lớp 10 công lập. Vào trường nghề các em chỉ phải học 4 môn, đa số 4 môn thì các trường nghề tự đào tạo, nên chúng tôi có chút lo lắng", vị trưởng phòng đào tạo nhận định.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho biết chương trình nghề đa số học về thực hành, với các tên môn học, nội dung và hàm lượng môn học không tương thích với chương trình đào tạo ĐH, nên nếu liên thông cũng khó chuyển đổi tín chỉ, HS sẽ phải học lại từ đầu nên thời gian liên thông không phải là 2 - 2,5 năm mà có thể tới 3,5 - 4 năm.

Vướng mắc liên thông ĐH cho người học trung cấp, vì sao?- Ảnh 2.

Nhiều học sinh đăng ký học 7 môn văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, thuận lợi hơn cho việc liên thông ĐH

H.T

CHỦ ĐỘNG LIÊN KẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TƯƠNG THÍCH

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao (TP.HCM), nêu quan điểm: "Để giải quyết các vướng mắc trên, trường nghề phải chủ động làm việc với các trường ĐH. Nếu đi đến liên kết hợp tác về liên thông thì 2 bên cần xem xét 2 chương trình đào tạo có sự chênh lệch ra sao. Từ đó trường nghề cần xây dựng lại chương trình đảm bảo 50% vẫn theo chương trình khung của Bộ

LĐ-TB-XH, còn 50% là bổ sung, thống nhất các môn học chung từ tên gọi đến nội dung để dễ dàng trong việc chuyển đổi tín chỉ cho người học".

Muốn tạo điều kiện cho HS liên thông thì trường nghề phải định hướng cho HS ngay từ đầu về việc tốt nghiệp sẽ liên thông lên các trường ĐH nào là giải pháp mà thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu đưa ra. "Trường nghề phải làm việc với một số trường ĐH, đảm bảo nguồn tuyển và xây dựng lại chương trình cho tương thích, tên gọi các môn học phải giống nhau, số tín chỉ phải đạt yêu cầu. Đặc biệt việc đào tạo văn hóa trong trường nghề cũng phải đảm bảo chất lượng để các em đủ năng lực học bậc ĐH", thạc sĩ Thu chia sẻ.

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường có xét tuyển HS trung cấp hệ 9+ vào học liên thông hệ vừa làm vừa học. Đối tượng này chiếm 50% mỗi năm.

"Sau khi học trung cấp, HS có 2 con đường. Liên thông trực tiếp lên vừa làm vừa học mất khoảng 2 - 2,5 năm. Còn nếu muốn lấy bằng CĐ thì liên thông từ trung cấp lên CĐ chính quy, sau đó lên ĐH chính quy mất khoảng 3 năm. Đây là trường hợp lý tưởng khi liên thông đúng nghề và các chương trình đào tạo từ trung cấp lên CĐ và lên ĐH tương thích nhau (được miễn tối đa 50% tín chỉ). Nếu chương trình đào tạo ĐH được cập nhật, rà soát liên tục (thường 3 năm 1 lần) thì sẽ không tương thích và khó khăn trong việc miễn tín chỉ", PGS-TS Hùng cho hay.

Chưa có hướng dẫn thực hiện công nhận và miễn trừ tín chỉ

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện nay có 134 cơ sở giáo dục ĐH trên toàn quốc đào tạo liên thông, chiếm 49% tổng số cơ sở đào tạo.

Do chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông thuộc tổng chỉ tiêu của toàn trường và không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy tương ứng theo ngành đào tạo (quy định tại Quyết định 18 về đào tạo liên thông năm 2017), nên nhiều trường không đào tạo hoặc đào tạo liên thông rất ít. Cùng chỉ tiêu đó, nếu đào tạo ĐH chính quy (4 năm) thì nguồn thu sẽ nhiều hơn so với đào tạo liên thông (chỉ 2 - 2,5 năm).

Cũng theo Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm 2023, liên thông vừa làm vừa học từ CĐ lên ĐH là 411 chương trình (toàn quốc là 41.000 sinh viên), từ CĐ lên ĐH chính quy là 390 chương trình (15.000 sinh viên). Liên thông từ trung cấp lên ĐH vừa làm vừa học hiện có hơn 17.000 sinh viên.

Quyết định 18 cũng yêu cầu các trường có đào tạo liên thông phải ban hành quy định về công nhận và miễn trừ các tín chỉ đã tích lũy của người học, tuy nhiên lại chưa có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều trường lúng túng khi thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.