Kể từ ngày 19.8, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) không được phép mua, gia hạn các hợp đồng kinh doanh chứng khoán mới. Đây là nội dung do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới ban hành quyết định về việc đình chỉ nghiệp vụ tự doanh chứng khoán đối với công ty này.
Thời gian đình chỉ nghiệp vụ tự doanh chứng khoán với SBBS là 60 ngày. Trong thời gian bị đình chỉ, công ty không được ký mới, gia hạn các hợp đồng liên quan đến hoạt động tự doanh chứng khoán. Công ty chỉ được bán, không được tăng thêm các khoản đầu tư kinh doanh, trừ trường hợp buộc phải mua vào để sửa lỗi giao dịch hoặc giao dịch lô lẻ hoặc được hưởng các quyền có liên quan đến chứng khoán đang nắm giữ.
Việc bị đình chỉ nghiệp vụ tự doanh chứng khoán là do SBBS không duy trì điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm tháng 12.2018 thấp hơn vốn pháp định quy định. Công ty phải xây dựng phương án khắc phục và báo cáo tình hình khắc phục tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018, SBBS ghi nhận doanh thu hơn 28 tỉ đồng và lỗ sau thuế hơn 212 tỉ đồng. Trong đó, công ty ghi nhận mức lỗ chưa thực hiện là 206,9 tỉ đồng. Tổng cộng mức lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 là 235,9 tỉ đồng. Việc thua lỗ nặng do trong năm 2018, công ty này ghi tăng khoản phải thu Huỳnh Thị Huyền Như - nhân viên ngân hàng Vietinbank - trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 210 tỉ đồng.
Thời gian qua, SBBS vướng lùm xùm trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vào cuối tháng 5.2018, Tòa án cấp cao đã bác kháng cáo của 4 nguyên đơn yêu cầu Vietinbank hoàn trả số tiền hơn 1.000 tỉ đồng mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt. Một trong 4 nguyên đơn là SBBS yêu cầu ngân hàng phải trả lại khoản tiền 210 tỉ đồng tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM nhưng bị Huyền Như chiếm đoạt. Trước đó tòa án tuyên cá nhân Huyền Như phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt của SBBS.
Saigonbank Berjaya là công ty chứng khoán có cổ đông chiến lược nước ngoài và được cấp phép hoạt động từ tháng 7.2008. Công ty có 3 cổ đông chiến lược gồm Ngân hàng Sài Gòn Công thương, Công ty TNHH MTV TM và Du lịch Kỳ Hòa và Công ty Chứng khoán Inter-Pacific thuộc tập đoàn Berjaya của Malaysia.
Trước đó, một công ty chứng khoán khác là chứng khoán Phương Đông (ORS) cũng có liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền 380 tỉ đồng gửi tại Vietinbank bị chiếm đoạt khiến công ty này bị thua lỗ.
Bình luận (0)