Vượt đèn đỏ: Phạt nặng để cho chừa!

09/10/2024 13:13 GMT+7

Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất của Bộ Công an về việc tăng mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn đỏ, nhằm góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX), Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có lỗi vượt đèn đỏ.

Theo quy định hiện hành, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng), người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 800.000 đồng đến 1 triệu đồng; đồng thời bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng.

Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền hành vi vượt đèn đỏ lên 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, từ 2 - 3 triệu đồng với người điều khiển xe máy; đồng thời trừ 3 điểm GPLX.

Vượt đèn đỏ: Phạt nặng để cho chừa!- Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn đỏ

ẢNH: T.N

Vượt đèn đỏ gây hậu quả thảm khốc

Rạng sáng 4.7.2024, tại nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội), chiếc xe khách mang biển số 29G-015.xx lao vun vút trên đường. Khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, tài xế không dừng lại mà vẫn đạp ga lao tới. Sau tiếng "rầm", xe khách tông lật một chiếc xe tải đang lưu thông đúng phần đường. Vụ việc may mắn không gây thiệt hại về người.

Trước đó, cuối tháng 12.2023, một nam thanh niên điều khiển xe máy mang biển số 59T2-334.xx chở theo 2 người, lưu thông trên đường Nguyễn Oanh (TP.HCM). Khi đến giao lộ Nguyễn Oanh - Trần Thị Nghỉ, người này cho xe vượt đèn đỏ, dẫn đến va chạm với ô tô tải và tử vong tại chỗ.

Tháng 9.2022, một phụ nữ điều khiển ô tô mang biển số 49A-333.xx lưu thông trên QL60, hướng từ cầu Rạch Miễu đi TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Khi đến nút giao, tài xế phóng nhanh, vượt đèn đỏ, va chạm với xe máy. Hậu quả khiến người đi xe máy tử vong.

Ba ví dụ trên cho thấy hành vi vượt đèn đỏ xảy ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm và nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng có một điểm chung, đó là hậu quả để lại rất nặng nề, cả về người và tài sản.

Bộ Công an cho biết, từ năm 2020 - 2024, lực lượng công an toàn quốc lập biên bản xử lý gần 14,9 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc hơn 21.036 tỉ đồng. Kết quả phân tích cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chủ yếu là do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông (chiếm trên 90%), trong đó có hành vi vượt đèn đỏ.

Phòng CSGT Công an TP.HCM mới đây cũng phát đi cảnh báo sau khi địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, mà nguyên nhân là vượt đèn đỏ.

"Chỉ vì muốn tranh thủ cho bản thân vài giây mà một số người bất chấp vượt đèn đỏ, đèn vàng. Sự thiếu ý thức, chủ quan, không tập trung khi lái xe đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc, gây thương vong cho bản thân người lái xe và những người khác cùng tham gia giao thông trên đường", cơ quan này nhận định.

Phạt nặng để tăng răn đe

Bộ Công an cho hay, trước tình trạng gia tăng các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có vượt đèn đỏ, nâng chế tài xử phạt với nhóm hành vi trên là điều cần thiết. Việc này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, bày tỏ sự ủng hộ khi Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn đỏ, nhất là trong bối cảnh giao thông như hiện nay.

Theo vị chuyên gia, tín hiệu đèn giao thông là kiến thức cơ bản nhất mà mỗi người tham gia giao thông phải biết và chấp hành. Dù vậy, vượt đèn đỏ lại là một trong những lỗi vi phạm dễ bắt gặp nhất, có thể chứng kiến hàng ngày, hàng giờ.

Cho rằng vượt đèn đỏ dù chỉ diễn ra trong 1 - 2 giây nhưng hậu quả để lại thì khôn lường, ông Thủy kỳ vọng việc nâng mức xử phạt sẽ tăng sự răn đe không chỉ với người vi phạm mà còn với người tham gia giao thông khác.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) từng chứng kiến nhiều trường hợp vượt đèn đỏ, thậm chí bà từng bị một chiếc xe máy phía đối diện "cắt mặt", suýt xảy ra va chạm.

"Tâm lý của người vượt đèn đỏ thường sẽ cố nhấn ga để qua giao lộ cho thật nhanh, tốc độ lưu thông lớn, cộng thêm tốc độ của xe đối diện (đi đúng chiều) thì chỉ cần va chạm nhẹ cũng có thể gây thương vong", nữ luật sư nói.

Do đó, với đề xuất tăng mức phạt của Bộ Công an, luật sư Thúy nhận định đây sẽ là biện pháp nhanh nhất, trực tiếp nhất để tạo ý thức tuân thủ cho người tham gia giao thông. Mức phạt cao, tài xế sẽ "dè chừng túi tiền" mà không dám vi phạm.

Vượt đèn đỏ: Phạt nặng để cho chừa!- Ảnh 2.

Việc tăng mức phạt tiền được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức người tham gia giao thông

ẢNH: HOÀNG TUÂN

Chỉ nâng mức phạt tiền thì chưa đủ

Song song việc nâng mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác. Theo ông, nếu chỉ dừng lại ở phạt tiền là chưa đủ, mà phải tập trung cả công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức về trật tự, an toàn giao thông.

"Xử phạt chỉ ở phần ngọn, cái gốc là xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, để họ hiểu, nhận thấy đó là hành vi không đúng, không thực hiện. Khi đã có ý thức chấp hành, vi phạm theo đó sẽ bị triệt tiêu", ông Thủy nói.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy đề cập tới điểm mới của luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ 1.1.2025) so với luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, một số hành vi vi phạm sẽ được áp dụng hình thức trừ điểm GPLX thay vì tước GPLX.

Như lỗi vượt đèn đỏ, với quy định hiện hành, ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Còn theo đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo, người vi phạm sẽ bị trừ 3 điểm GPLX.

Nữ luật sư phân tích, trong nhiều trường hợp, người vi phạm e ngại bị tước GPLX không kém gì bị phạt tiền, bởi việc này đồng nghĩa không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian bị tước GPLX.

Với trừ điểm GPLX, quy định này nhân văn và tạo điều kiện cho người vi phạm hơn, khi họ vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu GPLX còn điểm.

"Để bảo đảm sự răn đe, ngoài tăng mức tiền phạt thì cũng nên nghiên cứu mức trừ điểm GPLX sao cho hợp lý, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm", vị luật sư đề nghị.

Giảm tốc độ khi đèn xanh còn 1 - 2 giây

Phòng CSGT Công an TP.HCM khuyến cáo người dân khi di chuyển đến các giao lộ phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Nếu thấy tín hiệu đèn xanh còn 1 - 2 giây và chuẩn bị chuyển sang đèn vàng hoặc đèn đỏ (đối với đèn mũi tên báo hiệu cho phép xe đi thẳng hoặc rẽ trái, rẽ phải, quay đầu) cần giảm tốc độ và cho xe dừng trước vạch dừng, tránh tình trạng thắng gấp, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Đồng thời, khi dừng chờ đèn vàng, đèn đỏ phải đúng làn đường cho phép đối với phương tiện đang điều khiển để tránh gây cản trở quá trình lưu thông của các phương tiện khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.