Vượt khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu về đích sớm

Chí Nhân
Chí Nhân
06/12/2022 06:25 GMT+7

Mới qua 11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt cả năm 2021 trong đó nhiều ngành hàng đã vượt chỉ tiêu, kế hoạch của năm, thậm chí thiết lập những cột mốc mới về giá trị xuất khẩu.

Những cột mốc lịch sử

Năm nay xuất khẩu ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên VN đạt con số tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỉ USD, bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỉ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỉ USD và chục tỉ USD”. Có đến 35 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 8 ngành hàng vượt 10 tỉ USD.

Năm 2022, “câu lạc bộ 10 tỉ USD” của VN kết nạp thêm thành viên mới mang tên thủy sản, nâng số lượng thành viên của câu lạc bộ này lên con số 8. Đáng chú ý, ngành này cũng chỉ cần 11 tháng để đạt được cột mốc lịch sử. Ước tính, kết quả xuất khẩu cả năm của ngành này có thể vượt 11 tỉ USD và tăng hơn 2 tỉ USD so với năm 2021. Trong “câu lạc bộ 10 tỉ USD”, ngành gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 11 vẫn đạt giá trị 14,6 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành thủy sản còn đóng góp thêm nhiều cột mốc lịch sử khác như: Xuất khẩu cá ngừ đạt con số kỷ lục trên 1 tỉ USD, cá tra vượt 2 tỉ USD, tôm vượt 4 tỉ USD… và tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số. Cũng là lần đầu xuất khẩu vượt 1 tỉ USD còn có ngành phân bón. Ngành phân bón xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1,2 tỉ USD, tăng 16%.

Nhiều doanh nghiệp tìm hướng giải bài toán thiếu hụt đơn hàng có thể xảy ra trong thời gian tới

Công Hân

Xuất khẩu gạo cũng về đích sớm khi mới qua 11 tháng đã đạt sản lượng gần 6,7 triệu tấn tương đương giá trị 3,2 tỉ USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Ấn tượng không kém ngành thủy sản là lĩnh vực xuất khẩu cà phê khi mới qua 11 tháng đã đạt gần 1,7 triệu tấn tương đương giá trị 3,5 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2021. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của ngành này.

Tính chung trong 11 tháng, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản ước đạt 28 tỉ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 294,5 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng tăng trưởng ấn tượng như: Túi xách, va li, mũ, ô dù tăng 39%; hàng dệt và may mặc tăng 18,5%... Còn xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giải bài toán đơn hàng giảm

Mỹ vẫn là thị trường quan trọng số 1 của hàng hóa VN. Trong 11 tháng qua kim ngạch ước đạt trên 101 tỉ USD. Kế đến là các thị trường như EU và Nhật Bản… Tuy nhiên, trong thời gian qua những thị trường này đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát làm cho giá cả leo thang, sức mua yếu, lượng hàng tồn kho cao. Kể từ đầu quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp (DN) nhất là lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, thủy sản của VN đã bị tác động bởi tình trạng đơn hàng sụt giảm.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết dù năm nay đạt cột mốc lịch sử xuất khẩu trên 10 tỉ USD, nhưng niềm vui không trọn vẹn khi từ tháng 11 lại tăng trưởng âm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ… mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi cũng đều bị giảm đáng kể. Tình trạng có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tháng 12 của năm 2022 và kéo dài sang cả quý 1/2023.

Theo nhiều chuyên gia, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay thị trường lại xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Đó là một số khu vực ít bị suy thoái kinh tế tác động như khu vực Trung Đông hay thị trường khổng lồ 1,4 tỉ dân là Trung Quốc, đang dần nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19. Việc phục hồi của thị trường này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa VN nhất là các lĩnh vực nông lâm thủy hải sản.

Trong thời gian qua, VN cũng đã tích cực đàm phán và ký được các nghị định thư để đưa nông sản của VN vào Trung Quốc theo đường chính ngạch. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định từ tháng 1 - 10.2022, Trung Quốc đã nhập khẩu thủy sản đạt giá trị tới 15 tỉ USD, cao hơn cả năm 2021. Các DN VN nên tận dụng thị trường rộng lớn này.

Tuy nhiên, cần lưu ý Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu thủy sản nguyên liệu về để chế biến xuất khẩu. Trong khi đó thế mạnh của thủy sản VN là hàng giá trị gia tăng nên tập trung khai thác phân khúc cao ở các thành phố lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh. Để làm được như vậy DN cần phải tìm hiểu rõ về tập quán, chính sách ở từng địa phương. DN VN nên chủ động hơn thay vì chờ đợi sự thâm nhập của các nhà nhập khẩu từ phía Trung Quốc.

Với những khó khăn tương tự ngành thủy sản, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Sài Gòn 3, cho biết công ty cũng đang nỗ lực xoay xở để tồn tại và phát triển. Cụ thể như chuyển sang sản xuất các mặt hàng bảo hộ lao động hoặc các khu vực thị trường mới như Trung Đông, Đông Âu…

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá: “Thời gian qua, các DN VN đã tận dụng rất tốt các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực thị trường chưa được khai phá hết tiềm năng. Cụ thể, trong khu vực EU thì DN VN mới khai thác tốt ở các thị trường truyền thống Tây Âu, trong khi khu vực thị trường Bắc Âu vẫn còn dư địa lớn. Các DN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm để tiếp cận các thị trường mới”.

Tính đến hết tháng 11 của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 674 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; vượt kết quả năm 2021 là 668 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 342 tỉ USD tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt gần 332 tỉ USD, tăng 10%. Cán cân thương mại đang ở trạng thái xuất siêu đến 10,6 tỉ USD. Đáng chú ý, mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả năm 2022 là 700 tỉ USD hoàn toàn trong tầm tay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.