Đi tìm cơ hội
Chị Thủy cho biết sau 12 năm cùng công tác trong ngành thủy sản, đến năm 1999, khi phong trào nuôi tôm ở Cà Mau phát triển mạnh, vợ chồng anh quyết định mở điểm kinh doanh tôm giống để “thử thời vận”. Được khoảng 1 năm, thấy công việc làm ăn có chiều hướng thuận lợi nên hai vợ chồng xin nghỉ việc, ra làm tôm giống. “Ban đầu, vợ chồng tôi lấy giống ở miền Trung về bán lại cho bà con, hưởng hoa hồng. Lúc đó, nếu bán được 2 - 3 xe tôm là lời 5 - 6 cây vàng. Tuy nhiên, do vốn ban đầu không nhiều, nên khi nhập tôm về, vợ chồng tôi ráng bán cho nhanh để gởi tiền ra nhập tôm giống về tiếp. Cứ 50 triệu đồng vốn, một tháng quay 10 vòng là ra 500 triệu đồng rồi”, anh Phong hào hứng kể lại.
|
Làm kinh tế khi chưa có kinh nghiệm nên anh chị không tránh khỏi thất bại. Chị Thủy kể vào năm 1994, tôm nuôi chết liên tục nên tôm giống rất khó bán. Người nuôi vừa cải tạo đầm xong, thả tôm xuống là chết trắng. Lượng tôm bán ra sụt giảm ghê gớm. Tính ra, số tiền bán tôm vợ chồng anh chị không thu được vào lúc đó lên đến vài tỉ đồng. Thời gian khó khăn kéo dài suốt 3 năm. Nghề dạy nghề, anh chị rút ra kinh nghiệm không bán tôm giống đại trà nữa. Nhờ tạo được uy tín từ trước, bạn bè vẫn cung cấp hàng cho anh chị bán, rồi thu tiền trả sau. Sau 20 năm kinh doanh tôm giống, dành dụm được ít vốn, vợ chồng anh ra Ninh Thuận, mua đất thành lập Công ty TNHH Việt - Mỹ, chuyên kinh doanh ngành giống thủy sản. Từ thất bại trước kia, vợ chồng anh quyết tâm củng cố chất lượng tôm giống. Tuy nhiên, hồi đầu, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không dám mua con giống của công ty anh. Anh đã khuyến khích thả nuôi và đảm bảo nếu thất bại công ty sẽ hoàn trả con giống trong vòng 30 - 45 ngày nên nhiều hộ chấp nhận. Hiện nay, Công ty TNHH Việt - Mỹ là một trong những công ty mạnh và có thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh tôm giống trên thị trường.
Tiếp tục thử nghiệm
Không dừng lại ở nghề kinh doanh tôm giống, anh Phong lại lao vào thực hiện niềm đam mê mới. Đó là mở trang trại nuôi thử nghiệm rắn, tắc kè, bồ câu Pháp, gà tre, gà nòi, vịt xiêm, gà Mỹ... Anh Phong tâm sự anh đã đi rất nhiều nơi để tham quan các mô hình. Trong những chuyến đi đó, tiện thể anh mua một vài loại con giống về nuôi thử và nhân giống cho bà con, bạn bè. Hiện nay, với 9.000 m2 đất, ngoài 2 đầm tôm thẻ chân trắng, diện tích còn lại anh dành trọn để mở trang trại chăn nuôi.
|
Theo anh Phong, mô hình nuôi bồ câu Pháp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp khá đơn giản, đặc biệt thu lợi rất nhanh. Hiện anh đầu tư một trang trại với diện tích ngang 7 m, dài 30 m, nuôi khoảng 1.000 cặp bồ câu. Bồ câu giống nuôi 6 tháng cho sinh sản, mỗi cặp đẻ 2 trứng/lứa/tháng và ấp khoảng 15 - 18 ngày thì nở. Bồ câu nuôi hơn 5 tháng có thể bán. Giá 1 cặp bồ câu hiện nay lên đến 500.000 đồng, trong khi đồng vốn bỏ ra không lớn. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh thu được 30 - 50 triệu đồng. Hiện nay, cả bồ câu thịt lẫn bồ câu giống đang rất hút hàng. Sắp tới, anh sẽ tăng cường nuôi bồ câu thịt để cung cấp cho thị trường.
Để giảm chi phí và công chăm sóc, đồng thời bảo vệ môi trường, anh Phong sử dụng đệm sinh học bằng cách đổ trấu bên dưới sàn rồi rải men vi sinh lên. Sau hơn 1 năm, anh đem ra làm phân để bón cho cây thoặc bán cho cơ sở kinh doanh cây kiểng, với giá 20.000 đồng/bao.
Nhờ chọn đúng hướng đi, cộng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Phong, chị Thủy đã phất lên nhờ nghề kinh doanh tôm giống và mô hình trang trại đa con, đặc biệt là mô hình nuôi bồ câu đầy triển vọng.
Chí Bắc
>> Cải tạo ao nuôi tôm để... bán cát
>> Sử dụng vi sinh thay thế hóa chất trong nuôi tôm
>> Dân nuôi tôm… so bì
>> Khắc phục rủi ro trong nuôi tôm
>> Đào hồ nuôi tôm trái phép
>> Phá vườn dừa để nuôi tôm
Bình luận (0)