Vượt qua Covid-19: Ấm áp tình làng nghĩa xóm

21/05/2021 05:29 GMT+7

Câu chuyện bắt đầu từ một xóm nhỏ ở Bắc Giang, được thuật lại trên một tờ báo mạng, nơi cả xã phải chịu phong tỏa vì Covid-19 .

Điều không ai muốn, đã xảy ra. Cứ nghĩ cảnh chưa biết lấy đâu ra thực phẩm cho gia đình trong thời gian phong tỏa, vì chợ quán đóng cửa, đã thấy buồn lòng...
Nhưng nỗi buồn ấy không kéo dài.
Lại bắt đầu từ một gia đình ở thôn Phương Lạn 3, xã Phương Sơn, H.Lục Nam (Bắc Giang), vợ chồng anh Hoàng Văn Lập hái rau, dưa chuột trong vườn nhà mang ra đầu ngõ, treo tấm biển “Rau miễn phí cứ lấy nhé”, rồi thông báo lên mạng xã hội, sáng 8.5.
Nếu dịch bệnh lan rất nhanh, thì tình làng nghĩa xóm còn lan tỏa nhanh hơn.
Không ngờ ngay hôm anh Lập tặng quà cho bà con trong xóm, thì hàng chục hàng xóm cũng ra vườn cắt rau xếp vào “gian hàng” của anh.
Chưa hết. Chỉ hôm sau, gian hàng “Rau miễn phí cứ lấy nhé” của gia đình anh Lập lan tỏa ra 10 thôn của xã Phương Sơn.
Bà con ở những xóm bị phong tỏa đã có đủ rau xanh để “cầm cự” trong những ngày khó khăn này, chờ nhà nước “tổng phản công dập dịch”.
Những người có trách nhiệm ra các chốt canh phòng của xã Phương Sơn đã được bà con và Hội phụ nữ xã tổ chức nấu cơm tiếp tế, mỗi suất ăn đều đầy đủ chất, tươi ngon nóng hổi. Cứ như ngày xưa các mẹ, các chị ở gần sân bay Kép - Bắc Giang đã mang cơm nước tiếp tế cho bộ đội phòng không trực chiến chống máy bay của địch.
“Chống dịch như chống giặc” là như thế. Chỉ trong những tình huống ngặt nghèo, ta bỗng nhận ra lòng dân ta thơm thảo làm sao! Một anh công an xã Phương Sơn canh chốt xúc động nói: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy tình cảm của xóm làng, quê hương lại ấm áp như thế”.
Nếu mỗi gia đình ở vùng có dịch là một điểm đề kháng, thì mỗi xóm, mỗi làng, mỗi xã, phường trở thành một pháo đài chống dịch. Mô hình đó đã có từ thời chiến tranh bảo vệ, thống nhất đất nước, chứ không phải hôm nay mới xuất hiện.
Tình làng nghĩa xóm, với người Việt, luôn khởi đầu cho lòng yêu nước.
Mà đã là lòng yêu nước, thì không chỉ thôn Phương Lạn ở Bắc Giang, mà ở cả Việt Nam, nơi nào có dịch bệnh tấn công, thì nơi ấy bật lên lòng yêu nước.
Nhớ ngày xưa văn hào Nga Ylia Erenbua đã từng viết trong một bài luận văn nổi tiếng Lòng yêu nước: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Mỗi dân tộc có cách thể hiện riêng lòng yêu nước, với người Việt, thì yêu nước luôn gắn với “tình làng nghĩa xóm”, luôn gắn với sự chia sẻ để gần nhau, thương nhau hơn. Và người ta gọi đó là tình đoàn kết. Nghĩa là, yêu nước bắt đầu từ yêu thương những người hàng xóm của mình, những người dân làng mình, dù có là bà con hay không.
Tôi biết, bây giờ cũng có người hay “kể” những tật xấu của người nông dân Việt, nhưng thử hỏi, lực lượng nào là chủ lực trong tất cả các cuộc kháng chiến cứu nước từ trước tới nay, nếu không phải là nông dân Việt?
Ngày thường có những khiếm khuyết, kể cả những tật xấu, nhiều khi cãi vã nhau, ai cũng vậy, chả cứ nông dân. Nhưng khi gặp việc lớn, nguy cơ lớn, kẻ địch lớn, sự hung tàn lớn, thì lập tức, người nông dân Việt cố kết với nhau, như những lũy tre làng ngày xưa ấy.
Chống dịch như chống giặc, là như vậy.
Giặc có thể khác, nhưng lòng yêu nước, ý chí chống giặc, tình làng nghĩa xóm cố kết chống giặc, thì không khác.
Nếu chúng ta gọi dịch Covid-19 là giặc, thì dù cách chống có khác với chống quân giặc xâm lăng, nhưng người chống thì vẫn thế, vẫn là nhân dân mình, dù trải qua bao nhiêu đời.
Ai biết những tật xấu của họ đi nữa, thì cả đời tôi vẫn yêu thương người nông dân. Vì tôi biết, những phần tốt đẹp của họ lớn gấp bao nhiêu lần những tật xấu của họ. Mà ai chả có tật xấu, phải không!
Và tôi tự hỏi vì sao, mỗi khi đất nước gặp nguy nan, lại nghe vang lên những lời kêu gọi tình làng nghĩa xóm, kêu gọi đoàn kết? Nghĩa là, kêu gọi đích danh người nông dân. Chẳng lẽ, ngày thường, những điều cực kỳ tốt đẹp của họ “lặn đâu mất tăm” hay sao? Xin thưa, nó vẫn còn nguyên đó trong lòng người Việt, trong lòng người nông dân Việt. Nói kiểu bây giờ, chẳng qua chúng ta chưa biết cách “kích hoạt” nó mà thôi.
Mà muốn kích hoạt nó, thì người kích hoạt, ít nhất, phải tốt ngang với người được kích hoạt. Điều này khó à nghe.
Tôi ứa nước mắt khi nghe chuyện một bà cụ đã 81 tuổi, sống một mình, vẫn ngày ngày mang rau trong vườn nhà mình ủng hộ bà con đang bị phong tỏa. Nhiều người sẵn sàng giúp cụ hái rau, nhưng cụ nói: anh chị em còn nhiều việc lớn, tôi cố một chút cũng không sao.
Bạn thử nghĩ, có kẻ thù nào quật ngã được những người như bà cụ già yếu này không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.