Rối loạn tâm thần vì thu nhập giảm sút, ở nhà quá lâu
Tiến sĩ Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận dịch Covid-19 gây khủng hoảng lớn đến mọi mặt đời sống con người, trong đó có vấn đề về tâm lý và sức khỏe tâm thần.
"Các ảnh hưởng thường là stress kéo dài và mang tính bệnh lý, lâu hơn có thể dẫn tới các rối loạn tâm thần như lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... Ngoài ra, dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến khủng hoảng trong mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân hoặc cha mẹ và con cái. Dịch bệnh cũng làm cá nhân gia tăng những suy nghĩ tiêu cực, thói quen hay hành vi sức khỏe tiêu cực như lười vận động, sử dụng rượu, thuốc lá hay truy cập internet với các tương tác tiêu cực", tiến sĩ Công cho hay.
Theo tiến sĩ Công, thời gian qua ông nhận được khá nhiều ca tư vấn liên quan đến tác động của dịch Covid-19. "Chẳng hạn một học sinh vừa thi xong tốt nghiệp THPT, suốt thời gian dài giãn cách xã hội, nữ sinh này ở nhà ôn thi và không đi đâu. Trong khi đó, người cha cũng nghỉ làm ở nhà nên thường uống rượu và bạo lực bằng lời với vợ con. Học sinh này xuất hiện các triệu chứng stress bệnh lý như rối loạn giấc ngủ, chán ăn, cảm thấy chán nản, mất hứng thú, hay căng thẳng và xung đột với cha mẹ, thấy bi quan. Một phụ huynh khác gần đây gia tăng các triệu chứng đau cơ thể, thường có cảm xúc lo âu khiến tăng nhịp tim, huyết áp, hồi hộp - lo lắng, hay căng thẳng và giận dỗi... Lý do vì cả vợ chồng, con cái ở nhà quá lâu, không có sự kết nối với bên ngoài, thu nhập lại giảm sút làm gia tăng mâu thuẫn", tiến sĩ Công kể lại.
Còn rất nhiều xung đột khác trong các mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng... dẫn đến khủng hoảng tâm lý, theo tiến sĩ Công.
|
Nhiều bạn trẻ lo âu, trầm cảm
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Công Bình, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, nhấn mạnh đến những hệ lụy của dịch Covid-19 đối với người trẻ.
Thạc sĩ Bình nhận định: "Các bạn trẻ bị thay đổi kế hoạch học tập, rủi ro trong công ăn việc làm, thậm chí nhiều người thất nghiệp. Đặc biệt, một số bạn khởi nghiệp gặp đợt dịch thứ 4 này đã rơi vào tình trạng phá sản. Tất cả đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần, khiến bản thân lo âu, trầm cảm. Tỷ lệ bạn trẻ gặp vấn đề này rất cao. Điều đáng lo ngại là các bạn chưa có kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều nên khả năng ứng phó, đối mặt với rủi ro còn yếu, không tìm ra được giải pháp nên thường có suy nghĩ, hành vi tiêu cực, bi quan".
Làm điều mình thích, thường xuyên vận động
Theo các chuyên gia, dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống tâm lý và sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân là như nhau. Tuy nhiên, tùy nhận thức hay chiến lược chống đỡ khủng hoảng và nhân cách của cá nhân ấy mà diễn biến khác nhau.
Bác sĩ Tô Xuân Lân, chuyên khoa 2 ngành Tâm thần học, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho rằng có nhiều người lên cơn hoảng loạn, ứng xử bất thường như la hét, cáu gắt vô cớ, thậm chí tăng huyết áp, bị động kinh, ngất xỉu.
"Tôi vẫn thường tham vấn cho những trường hợp này, trước tiên là lắng nghe họ kể về nỗi sợ, những áp lực từ khi dịch làm đảo lộn cuộc sống. Chia sẻ được sẽ giúp họ giải tỏa phần nào. Sau đó, tôi khuyên họ bình tĩnh nhìn nhận lại toàn bộ những gì đã xảy ra. Dịch bệnh là tình hình chung của toàn cầu, khiến tất cả đều bị ảnh hưởng chứ không chỉ riêng ai, cho nên thay vì luôn ủ rũ, nghĩ ngợi tiêu cực thì hãy thay đổi thái độ sống. Chọn đọc những thông tin tui vẻ, tích cực. Hãy nghĩ trong lúc ngoài kia lực lượng tuyến đầu chống dịch đang phải vất vả, cực khổ, nhiều nguy cơ lây nhiễm thì mình được ở nhà đã là hạnh phúc. Nếu là bạn trẻ, thay vì ở nhà sẽ khiến stress thêm thì suy nghĩ xem mình có thể làm gì để hỗ trợ chống dịch, chẳng hạn nấu cơm từ thiện, tham gia các chốt kiểm dịch... Chỉ có vận động, làm một việc gì đó mới giúp bạn quên đi những căng thẳng hiện tại", bác sĩ Lân đưa ra lời khuyên.
|
Thạc sĩ Nguyễn Công Bình cũng lưu ý bạn trẻ không nên chủ động tìm đọc những thông tin như số ca nhiễm, người chết, người thất nghiệp... vì dịch, mà hãy đọc những câu chuyện xúc động về các y bác sĩ đang ngày đêm cứu người nơi tuyến đầu, về các tình nguyện viên chống dịch, các ca bệnh khỏi được trở về nhà... để được truyền cảm hứng tích cực.
Ngoài ra, theo bác sĩ Lân, thời gian này cũng có thể tranh thủ tìm lại những sở thích "bị lãng quên" do trước đây bận rộn không có cơ hội làm, chẳng hạn tự học đàn, học vẽ, nấu ăn, đọc sách, xem phim, học trang điểm...
Tiến sĩ Lê Minh Công khuyên mọi người nên xây dựng lối sống tích cực như vận động thể chất thường xuyên, dành thời gian gần gũi, chăm sóc, yêu thương gia đình nhiều hơn, sẽ giúp cuộc sống cân bằng.
"Nếu thấy tự mình không thể vượt qua những khủng hoảng, áp lực thì hãy tìm đến với các chuyên gia tâm lý, tâm thần học để được chia sẻ, giúp đỡ, chăm sóc.
Hiện nay trên Facebook có trang "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch" tập hợp rất nhiều bác sĩ, nhà tâm lý có kinh nghiệm đến từ các bệnh viện, trường ĐH, trung tâm luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí cho những người bị trầm cảm, rối loạn vì tác động của dịch Covid-19", thạc sĩ Nguyễn Công Bình thông tin thêm.
Bình luận (0)