Vượt qua lằn ranh sinh tử: ‘Trường học lớn nhất đời tôi’

28/02/2022 15:07 GMT+7

Ngày 25.2.2022, chúng tôi vẫn ở Khoa 2A Bệnh viện hồi sức Covid-19 để thăm khám bệnh nhân nặng. Cũng đã hơn 7 tháng rồi kể từ khi TP.HCM lập Bệnh viện hồi sức Covid-19, chúng tôi vẫn “bám trận địa”.

Những tưởng dịch dã đã yên ắng, nhưng nay đã bắt đầu gia tăng trở lại, và tinh thần chúng tôi vẫn vững vàng như ngày đầu ở đây.

Chúng tôi ra đi với nhiệt huyết và sinh lực của tuổi trẻ

Dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện trên thế giới từ cuối năm 2019 và đến đầu năm 2020 đã xâm nhập vào nước ta. Những bác sĩ trẻ như chúng tôi ở Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện Chợ Rẫy đã được lên tinh thần sẵn sàng ở mức cao nhất.

Từ khi bệnh nhân 91 - phi công người Anh điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (tháng 3.2020), chúng tôi đã được tham gia điều trị, đặt ECMO và vận chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị tiếp (cuối tháng 5.2020). Đây có thể nói là ca bệnh hồi sức Covid-19 nặng để chúng tôi học được kinh nghiệm hồi sức quý báu.

Bác sĩ trẻ Ngô Việt Anh

NVCC

Khi các tỉnh bùng phát dịch, tôi được phân công tham gia vào đội phản ứng nhanh số 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy đi hỗ trợ các tỉnh. Và từ giữa cuối tháng 7.2020, đội chúng tôi có mặt ở tâm dịch Đà Nẵng.

Những ngày đầu, chúng tôi hỗ trợ tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Lúc đó, dịch bệnh tấn công trực tiếp vào trong bệnh viện và lây trực tiếp lên bệnh nhân lớn tuổi với các bệnh huyết học, ung thư…

Tôi hỗ trợ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trong khoa, các anh lớn thì hỗ trợ vòng ngoài, đi cấp cứu ngoại viện.

Khi dịch lan rộng, chúng tôi được điều qua Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Nơi đây được thiết lập giống như bệnh viện 3 tầng bây giờ, thu dung bệnh nhân cả 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng.

Chúng tôi là “bàn tay nối dài” của các thầy, các anh lớn, bởi trong tâm dịch, chúng tôi là người trực tiếp xem bệnh, đánh giá, báo cáo thầy cô và thực hiện y lệnh (ECMO, lọc máu, thở máy, thuốc…). Còn điều trị là do các thầy, các anh lớn sau khi hội chẩn, quyết định. 45 ngày sau, dịch bệnh tại Đà Nẵng ổn định, chúng tôi rút về TP.HCM.

Những ngày tháng chống dịch ban đầu đó, chúng tôi ra đi với nhiệt huyết và sinh lực của tuổi trẻ, mang hết tất cả những hiểu biết về chuyên môn của mình để hỗ trợ bệnh nhân, hỗ trợ các tỉnh chống dịch. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến mình sẽ bị nhiễm bệnh, sẽ nguy hiểm…

Coi mình như là thân nhân người bệnh

Giữa tháng 7.2021, Bệnh viện hồi sức Covid-19 lập nên, chúng tôi được phân công ở Khoa ICU 2A, nơi được xem là Khoa ICU chính tiếp nhận những ca bệnh nặng nhất là thở máy, lọc máu và ECMO.

Là một bác sĩ trẻ, tôi được phân công làm Phó khoa ICU 2A, phụ việc cho bác sĩ Trần Thanh Linh (Trưởng khoa). Tôi đã học cách quản lý, được biết thêm nhiều đồng nghiệp trên cả nước và học hỏi được nhiều về chuyên môn và cả hậu cần…

Bác sĩ Ngô Việt Anh đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19

NVCC

Ở khoa chúng tôi, có những ngày bệnh nhân lên đến 58 ca và ra vào liên tục, tiếp nhận tất cả mọi đối tượng, từ người trẻ đến người già, phụ nữ mang thai, và thực tế này có khác với mô hình bệnh ở Đà Nẵng.

Thời gian đầu quá tải, bệnh nhân vào rất nặng do chưa tiêm vắc xin và cũng chưa có thuốc đặc trị như bây giờ, nên số ca ra đi cũng nhiều. Đau lòng nhất là có những bạn rất trẻ mới ngoài đôi mươi ra đi trước mắt, dù mình đã dồn hết sức lực, tâm huyết để cứu.

Có lần tôi khuyên một bệnh nhân trẻ ráng lên, ráng thở, ráng uống sữa để có sức để điều trị, nhưng hôm sau phải đặt ống thở, ECMO nhưng rồi không qua khỏi.

Trong chúng tôi, nhiều người sốc, chán nản, trầm cảm, buồn bả nhiều ngày vì chứng kiến cảnh tượng khốc liệt như vậy, nhưng cũng tự nhủ lòng là phải gắng lên, vì còn nhiều bệnh nhân cần hỗ trợ, cần đến mình. Nhưng đó cũng là nỗi đau của cả nước trong một giai đoạn dịch bệnh nặng nề như vậy.

Bác sĩ Ngô Việt Anh

Nhưng cứu sống được bệnh nhân cũng là niềm vui, là động lực để chúng tôi chiến đấu tiếp đến ngày hôm nay. Tôi nhớ như in khuôn mặt hạnh phúc của một sản phụ sau khi tôi báo con chị đã được cứu. Đó là một sản phụ trẻ tạm trú tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) mang thai mới 27 tuần và mắc Covid-19.

Sản phụ này chuyển nặng và phải thở ô xy dòng cao. Sản phụ nói với tôi là xin bác sĩ cố gắng cứu em bé, cứu 2 mẹ con. Rồi sau đó, sản phụ chuyển nặng phải thở máy, chạy ECMO. Sau khi hội chẩn với Bệnh viện Từ Dũ, y bác sĩ của 2 bệnh viện đã mổ bắt em bé khi đang chạy ECMO và đưa bé về Bệnh viện Từ Dũ hồi sức...

Sản phụ đã hồi phục trở về đoàn tụ với gia đình, em bé cũng đã được cứu sống. Gia đình trẻ ấy ở tỉnh lên TP.HCM làm công nhân, rất khó khăn… Chúng tôi đã huy động hỗ trợ máy tạo ô xy cho sản phụ khi xuất viện vì di chứng hậu Covid-19 khó thở và giờ cũng đã ổn định.

Đã hơn 7 tháng ở Bệnh viện hồi sức Covid-19, chúng tôi đồng hành cùng bệnh nhân, nơi đây chúng tôi coi mình như là thân nhân người bệnh. Bệnh viện hồi sức Covid-19 là một trường học lớn nhất trong đời bác sĩ chúng tôi.

Bác sĩ Ngô Việt Anh (30 tuổi), Khoa ICU - Bệnh viện Chợ Rẫy là thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2020. Anh cũng là công dân tiêu biểu TP.HCM năm 2020. Tuổi trẻ và đầy nhiệt huyết, anh cùng đội ngũ bác sĩ hồi sức cả nước đã cứu chữa nhiều bệnh nhân vượt qua Covid-19 trở về với gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.