Vượt qua lằn ranh sinh tử: Tình cảm nảy nở mạnh mẽ trong đại dịch

Trong khó khăn thì tình cảm, tình đồng chí, đồng nghiệp đã nảy nở và phát triển mạnh mẽ nhất, dịch bệnh đã đẩy tất cả mọi người về cùng một chiến tuyến.

Sục sôi không khí chống dịch

Những ngày đầu tháng 7.2021, thông tin dịch Covid-19 ngày càng dồn dập, chúng tôi được cử đi tập huấn chống dịch liên tục. Tuy nhiên trong tư tưởng mỗi người lúc đó tôi nghĩ chưa ai chuẩn bị tâm lý cho cuộc chiến kéo dài như vậy.

Bác sĩ Lâm Hùng Hạnh cùng đồng nghiệp tặng hoa mừng một bệnh nhân Covid-19 thoát khỏi tử thần

LÂM HÙNG HẠNH

Buổi chiều hôm đó, như thường lệ gia đình tôi đang chuẩn bị cho bữa tối thì nhận được điện thoại từ bệnh viện, chúng tôi có bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đầu tiên.

Đó là một cụ bà lớn tuổi, rối loạn tri giác vì thiếu ô xy, phổi viêm nặng và xét nghiệm Covid 19 dương tính. Tôi vào ngay bệnh viện.

Chúng tôi nhận được lệnh nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến khu điều trị Covid-19 đặt tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Một ê kíp hồi sức được cử đi theo cùng với máy móc, thiết bị, vật tư y tế và thuốc men đủ cho một đơn vị hồi sức Covid-19 tạm thời.

Những ngày sau đó, mỗi ngày đều có những chuyến xe qua lại giữa 2 bệnh viện để vận chuyển vật tư, thuốc men, trong đó có cả sữa và mì gói tiếp ứng cho ê kíp.

Rồi số ca bệnh nặng tăng dần lên, theo chỉ đạo của Sở Y tế Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thành lập Trung tâm hồi sức điều trị Covid-19 với quy mô 50 giường.

Tuy nhiên trung tâm cũng nhanh chóng được lấp đầy, hết giường, hết máy. Từ sáng đến tối, tôi cùng ban giám đốc, các khoa phòng trong bệnh viện cùng đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai chạy đua cho một cuộc chiến thực sự. Tất cả tập trung nhân lực cho một mục tiêu duy nhất kịp đón bệnh nhân và điều trị.

Những ngày đầu tiên đó, không khí rất là sôi sục, nhiều anh chị em tình nguyện đi chống dịch dù trong số đó nhiều người chưa biết nhiều về nó, có người chưa được tiêm chủng đầy đủ...

Những đêm không ngủ vì tin báo tử vong

Những cuộc điện thoại vào ban đêm liên hệ chuyển bệnh nhân nặng về trung tâm và ca tử vong nhiều dần, tôi bắt đầu có những đêm không ngủ. Còn ngày mới lại khởi đầu bằng những cuộc điện thoại báo tình trạng bệnh nặng có thể không qua khỏi.

Bác sĩ Lâm Hùng Hạnh cùng các đồng nghiệp đang cứu chữa cho một bệnh nhân Covid-19

LÂM HÙNG HẠNH

Anh em gọi cho tôi với giọng nặng trĩu: "Em chẳng biết phải làm thêm gì, bệnh nhân đang chết dần trước mắt em”. Chúng tôi tập làm quen với việc báo tin tử vong cho người nhà: “Phải đi hỏa táng, không được nhìn lần cuối đâu bác ạ!”.

Để phối hợp điều trị kịp thời và tốt hơn, chúng tôi lập ra nhiều nhóm Zalo, kết nối với nhiều y bác sĩ đầu ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực y học, trong đó có nhiều người là thầy, cô đã dạy tôi.

Điện thoại rung, tít tít liên tục, hội chẩn chuyên môn bất kể giờ giấc, các cuộc tranh luận chuyên môn thâu đêm nhằm tìm giải pháp tốt nhất có thể để cứu sống bệnh nhân.

Sau những buổi chữa trị căng thẳng, tận dụng giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi vào ban đêm, tôi điện thoại về cho vợ con ở nhà. Thấy tôi lâu về, đứa con lớn hỏi: “Bố hứa đi một tháng thôi mà”. Vợ tôi thì kể lại cho nghe quang cảnh ở nhà, “Xóm mình giờ bị phong tỏa, chặn hết các con đường, sáng nay có người phát rau và trứng anh ạ”.

Cuối tháng 7, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi T.Ư, đặt tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai (tòa nhà đang xây dựng).

Theo quyết định, đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đồng Nai, có chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch, và hỗ trợ trong khu vực được phân công. Về nhân lực, Bộ Y tế yêu cầu huy động từ Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện K và từ các nguồn khác. Từ đầu tháng 8.2021, đồng nghiệp từ Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện K, Bệnh viện 71 T.Ư lần lượt đến.

Chúng tôi nhanh chóng đoàn kết cùng nhau làm việc, nhiều buổi tranh luận chuyên môn giúp chúng tôi hiểu nhau và gắn kết hơn. Tôi và anh em ở bệnh viện bắt đầu được tiếp cận và học hỏi thêm nhiều kỹ thuật hồi sức đặc biệt.

Ấm lòng từ tiếng khóc trẻ sơ sinh

Bệnh nhân Covid-19 nhập viện đủ mọi thành phần, lứa tuổi, già có, trẻ có, phụ nữ mang thai cũng có. Cứ như vậy mỗi ngày, chúng tôi có thêm nhiều bệnh nhân, ai cũng để lại cho chúng tôi những kỷ niệm đáng nhớ, buồn vui lẫn lộn.

Những cái nắm tay thật chặt, những lời an ủi động viên, những lời hứa hẹn khi khỏi bệnh. Và đặc biệt nhất là tiếng khóc chào đời của những em bé sơ sinh trong khu hồi sức Covid-19, cùng với đó là nụ cười của sản phụ mới sinh... Những hình ảnh này quá đỗi xúc động, nó đã dần đẩy lùi những thứ đau thương kia vào một góc khuất nào đó trong đầu mỗi người.

Bác sĩ Hạnh cùng đồng nghiệp tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19

LÂM HÙNG HẠNH

“Bị nhốt” quá lâu, đôi khi tôi quên mất mình đã ở bao lâu trong tòa nhà này, và chúng tôi chưa thể đoán được thời điểm được về nhà. Để có sức khỏe tốt cho cuộc chiến kéo dài, chúng tôi xây dựng sân bóng mi ni trên tầng thượng, sân cầu lông và bóng bàn ở khu nhân viên. Một số bạn khác rèn thể lực với những bài tập thể dục, chạy bộ quanh khu nhà vào mỗi buổi chiều.

Một điều quý giá tôi nhận thấy, đó là trong khó khăn thì tình cảm, tình đồng chí, đồng nghiệp là thứ sinh sôi, nảy nở và phát triển mạnh mẽ nhất. Dịch bệnh đã đẩy tất cả mọi người về cùng một chiến tuyến và chúng tôi những người tưởng chừng sẽ không bao giờ gặp mặt lại đang chiến đấu cùng nhau trên một mặt trận.

Đến đầu tháng 11.2021, số ca bệnh nặng dần giảm, những cuộc chia tay bắt đầu. “Mình nhận quyết định về Hà Nội bất ngờ quá, không kịp gặp chia tay các bạn, bánh này ở Hà Nội đưa vào, gửi cho các bạn ở lại giúp mình nhé”, “Hết dịch nhớ ra Hà Nội thăm mọi người nhé”, “Tôi yêu tất cả các bạn”….

Khu nhân viên vắng dần, giải bóng đá mi ni sân thượng, giải cầu lông, giải bóng bàn mở rộng đã kết thúc. Đôi khi chợt nghe tiếng bóng bàn, tôi vô thức chạy ra xem còn ai ở đó, mọi người đã về gần hết chỉ còn lại một số ít ở lại, tiếp tục công việc cho một đợt dịch kéo dài chưa biết bao giờ kết thúc.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở Đồng Nai bắt đầu từ đầu tháng 7.2021 buộc Đồng Nai phải giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra ngoài vào ban đêm. Về công tác chữa trị, ngoài việc thành lập các khu điều trị Covid-19 ở nhiều bệnh viện trên toàn tỉnh, Đồng Nai còn lập ra hơn 10 bệnh viện dã chiến, mượn hàng trăm trường học, cơ sở giáo dục làm nơi cách ly. Các y bác sĩ ngoài việc công tác tại đơn vị mình còn nhận nhiệm vụ đến phục vụ tại các bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế thành lập Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi T.Ư, đặt tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, đến nay Đồng Nai ghi nhận hơn 300.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó hơn 1.800 bệnh nhân tử vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.