Vượt qua lằn ranh sinh tử: 90 ngày cản 'thần chết'

27/02/2022 07:30 GMT+7

90 ngày tiếp nhận 805 bệnh nhân Covid-19 vào Khoa điều trị bệnh nhân nặng ( Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D) sẽ là ký ức không bao giờ quên khi từng phút, từng giờ ở đây, tôi cùng đồng nghiệp kiên trì điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, giúp họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

“Anh cứ đi và hãy yên tâm điều trị bệnh nhân Covid-19”

Nghề bác sĩ truyền nhiễm chẳng xa lạ gì với dịch bệnh, nhưng Covid-19 là đại dịch nguy hiểm nhất. Phải thú thật, bác sĩ chúng tôi ban đầu cũng có tâm lý lo lắng và sợ chết, vì mình có thể bị lây nhiễm từ bệnh nhân (BN) mà chết thì có ai mà không sợ...

Để hiểu về dịch Covid-19, tôi cùng đồng nghiệp ngày làm việc cơ quan nhưng đêm về vẫn thức thâu đêm chia nhau tìm đọc, tra cứu, dịch các tài liệu nước ngoài mới nhất về dịch bệnh để chia sẻ thông tin lẫn nhau, bên cạnh việc cập nhật, bám sát phác đồ điều trị từ Bộ Y tế. Lần học hỏi trực tiếp và quý báu nhất là chia sẻ của đồng nghiệp trở về từ Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 1 Bắc Ninh để linh hoạt áp dụng ở TP.HCM - tâm dịch nóng bỏng, khốc liệt nhất cả nước.

Y bác sĩ đút cháo cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D

ĐỘC LẬP

Càng về cuối tháng 7.2021, tin tức dịch Covid-19 từ phía nam dội về ngày càng xấu đi. Tôi sẵn sàng tâm thế xung phong chống dịch nhưng lòng canh cánh nỗi lo, khi con vừa lên 3 tuổi, vợ còn trẻ, mẹ cũng nhiều tuổi rồi.

Tôi lo gia đình sẽ sợ nếu tôi đi chống dịch Covid-19, nhưng thật bất ngờ, khi nghe suy tư, trăn trở này, vợ tôi “chốt” lại bằng một câu ngắn gọn: “Giả sử không phải miền Nam, dịch bùng ở ngay Hà Nội đây, vợ con anh, rồi mẹ anh nhiễm thì sao? Anh cứ đi và hãy yên tâm điều trị cho BN Covid-19 như những người thân của mình”.

Câu nói ấy không chỉ là sự động viên mà sau đó, nó ứng nghiệm ngay trong những ngày làm việc ở BVDC truyền nhiễm 5D.

Ngăn cản bước chân “thần chết”

Sau khi viết đơn tình nguyện, tôi được biên chế vào đoàn 43 cán bộ, bác sĩ đầu tiên của BV Quân y 105 vào phía nam thiết lập BVDC truyền nhiễm 5D (đặt tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, TP.Dĩ An, Bình Dương), tiếp nhận điều trị BN Covid-19 tại TP.HCM và Bình Dương.

Ngày 31.7.2021, chúng tôi có cuộc hành quân thần tốc. Sau lễ xuất quân ngắn gọn tại BV, xe quân y thẳng tiến đưa chúng tôi lên sân bay Nội Bài (Hà Nội) để bay vào TP.HCM. Chuyến bay hạ cánh đầu giờ chiều xuống sân bay Tân Sơn Nhất, xe đã chờ sẵn đưa chúng tôi về nơi tập kết và khảo sát thiết lập BVDC. Tôi nhớ mãi về hành trình ám ảnh ấy, dịch Covid-19 biến một đô thị sầm uất, nhộn nhịp với dân số cả chục triệu người, còi xe huyên náo suốt ngày đêm thành những đường phố hoang vắng, rất ít người đi lại. Đoàn xe đi qua nhiều con đường hun hút không một bóng người.

Bà Đặng Thị Châu cùng cháu ngoại nhiễm Covid-19 được bác sĩ Nguyễn Hữu Đạo cùng đồng nghiệp điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D

NVCC

Trong quyết định thành lập BVDC truyền nhiễm 5D, tôi được phân công làm Trưởng khoa điều trị BN nặng, phải quán xuyến toàn bộ mọi việc, từ sắp xếp, chia vị trí giường bệnh đến lắp đặt thiết bị, chuẩn bị vật tư y tế, cùng đồng nghiệp chia ca kíp trực làm việc... đảm bảo vận hành trơn tru trong mọi tình huống.

Sau 3 ngày chuẩn bị, thời khắc đối mặt với vi rút SARS-CoV-2 cũng đến. Ngày 4.8.2021, khoa đón BN Covid-19 đầu tiên. Dù chuẩn bị tâm lý rất kỹ nhưng lần đầu tiên đối diện với người nhiễm Covid-19, anh em rất hồi hộp, căng thẳng. Nam BN tầm tuổi trung niên, ban đầu chỉ mệt mỏi nhưng sau đó khó thở tăng dần, phải đưa vào thở ô xy. BN từ đang tỉnh táo cứ đuối đi từng ngày. Chúng tôi ý thức rõ hiểm nguy, áp lực rất lớn từ đại dịch đang đối mặt từng phút giây.

Những ngày về sau, BN Covid-19 nhập viện, chuyển về khoa càng nhiều, có thời điểm cùng lúc 5 - 7 người, chẳng mấy chốc các giường bệnh chẳng còn trống nữa. Có một điểm chung lặp lại ở nhiều BN, trong giai đoạn đầu nhiễm Covid-19, là BN có cảm giác mỏi mệt. Diễn biến nguy hiểm nhất là SpO2 (nồng độ ô xy trong máu) âm thầm sụt giảm, nếu không cấp cứu kịp thời thì rất khó giữ tính mạng. Phần lớn ca tử vong trong cộng đồng đều bắt nguồn từ việc người nhiễm bệnh có SpO2 xuống, nhưng không được đưa đến cơ sở y tế can thiệp, cấp cứu.

Diễn biến dịch Covid-19 ở TP.HCM ngày càng phức tạp, BN nặng gia tăng. Nhiều BN là người già có các bệnh nền: đái tháo đường, béo phì, cao huyết áp... diễn tiến nặng rất nhanh, đòi hỏi phải theo dõi sát sao từng giờ để ngăn chặn “bước chân thần chết”. Bởi khi BN trở nặng, họ nằm thở thoi thóp, nhiều người mất tinh thần, mặt đờ đẫn, ý thức có biểu hiện lú lẫn... Nếu không can thiệp kịp thời để đưa vào thở ô xy thì nguy kịch đến tính mạng.

Căng thẳng nhất là có thời điểm BN nặng không thể chuyển tuyến, chuyển viện vì khắp nơi đều quá tải. “Còn nước còn tát”, tôi trực tiếp cùng đồng nghiệp vận dụng mọi kỹ năng kiên trì điều trị, quyết tâm giữ bằng được mạng sống cho BN. Chứng kiến nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh như thế, nỗi sợ lây nhiễm Covid-19 biến mất từ lúc nào. Nếu sợ hãi sẽ mất tinh thần, động lực làm việc, không thể hoàn thành nhiệm vụ; và nếu chúng tôi từ bỏ, buông xuôi thì BN chắn chắn sẽ chết.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đạo

NVCC

Nhớ câu nói động viên của vợ

BN Covid-19 nhiều người có hoàn cảnh thương tâm. Tôi nhớ có bà cụ nuôi 2 cháu nhỏ, các con đi làm xa, bà nhiễm Covid-19 đi viện, phải đưa các cháu đi cùng. Bà có nhiều bệnh nền, là ca bệnh rất nặng. Chúng tôi điều trị cho bà và nhận chăm nuôi luôn 2 cháu nhỏ. Hằng ngày cứ nhìn vào các cháu mà chúng tôi cố gắng phải giành lại mạng sống cho bà cụ trong gần 20 ngày nằm viện.

Ở Khoa điều trị BN nặng, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ngoài chuyên môn còn phải làm rất nhiều việc không tên, thay người nhà chăm sóc từng người bệnh khi họ không có người thân bên cạnh. BN nặng thường khó thở, rất mệt mỏi, nhiều người không còn thiết ăn uống. Tôi cùng đồng nghiệp đưa cơm, cháo, tiếp nước đến từng giường bệnh. Người nào bỏ ăn, bỏ uống thì nói chuyện, động viên họ phải cố ăn, cố uống cho có sức khỏe để cùng y bác sĩ vượt qua cửa tử, sớm trở về bên người thân, gia đình.

Còn với BN phải thở ô xy, họ không thể rời ống thở, tự đi lại vệ sinh được. Những trường hợp này chúng tôi phải bố trí bô để người bệnh vệ sinh tại chỗ trong suốt thời gian phải thở ô xy.

Trên hành trình giành giật mạng sống cho BN Covid-19, chúng tôi không nề hà bất cứ công việc gì, dù đó là những việc ngoài chuyên môn, trước đây chưa từng làm. Tôi chợt nhớ câu nói động viên của vợ. Quả thực nếu không đồng cảm, không thực sự thương yêu người bệnh như chính người thân của mình, chúng tôi chắc chắn không thể giúp họ chiến thắng dịch Covid-19.

“Tôi coi đó là sự trải nghiệm”

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đạo, 34 tuổi, hiện công tác tại Khoa Truyền nhiễm, BV Quân y 105 (Bộ Quốc phòng), từng là cán bộ trẻ nhất được giao giữ trọng trách Trưởng khoa điều trị BN nặng, BVDC truyền nhiễm 5D.

Trong hành trình 90 ngày làm việc tại BVDC truyền nhiễm 5D, Khoa điều trị BN nặng đã tiếp nhận điều trị 805 BN. Trong đó 731 BN được điều trị thành công, khỏi bệnh; chuyển khoa, chuyển tuyến kịp thời đối với trường hợp BN nặng, không để xảy ra tai biến, không có BN tử vong…

Trong quá trình làm việc, bác sĩ Nguyễn Hữu Đạo bị lây nhiễm Covid-19 từ BN và phải điều trị 10 ngày với các triệu chứng nặng như tổn thương phổi, mất vị giác, khứu giác... “Bản thân cũng đã nhiễm Covid-19 phải điều trị dài ngày, tôi coi đó là sự trải nghiệm để đồng cảm hơn trong công việc tiếp xúc, điều trị cho BN hằng ngày giúp họ vượt qua, chiến thắng dịch bệnh”, bác sĩ Đạo chia sẻ.

Phan Hậu

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.