Đó là đảo Hòn Hải, thuộc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Đảo được gọi là cột mốc chủ quyền vì đây là điểm xa nhất, đánh dấu lãnh hải Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Đảo Hòn Hải được ghi tên trên các hải đồ quốc tế là Poulo Sapate (Sapata, Sepate) cách đảo Phú Quý 30 hải lý (trên 55 km) và TP.Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 120 hải lý (trên 220 km).
Đảo có chiều dài khoảng 130m, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 60m, điểm cao nhất 113m tính từ mặt biển và hoàn toàn khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, nhưng lại là nơi trú ngụ của hàng vạn chim biển. Vào tháng 6-7, hằng năm, chim biển tập trung về đây đẻ trứng khiến bề mặt trên của đảo ngổn ngang trứng chim và cả đảo phủ trắng phân chim.
Do kiến tạo địa chất, phần nổi của đảo nguyên vẹn là khối đá tảng, nhìn xa như chiếc hài (nên người dân còn gọi là Hòn Hài). Vách đảo dựng đứng, liên kết đá bị thiên nhiên tác động nên thường xuyên có đá rơi, đá lở. Xung quanh đảo chủ yếu là vách hụt và đá ngầm, nên tạo ra loại sóng chồm, sóng nhảy, liên tục xô đập vào bờ làm rung chuyển cả đảo.
Trước kia, Hòn Hải là đảo hoang, nhưng từ năm 1999, Bộ Quốc phòng đã đưa lực lượng công binh ra khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng Trạm Hải đăng Hòn Hải, nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và khẳng định chủ quyền Tổ quốc.
Năm 2004, Trạm Hải đăng Hòn Hải hoàn thành và được giao cho Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải nam Trung bộ (thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Bộ GTVT) quản lý, vận hành.
Cũng từ năm 2004, các công nhân của công ty thay nhau ra làm việc tại Trạm Hải đăng. Việc đảm bảo chuyên chở công nhân, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho đảo được thực hiện bằng tàu 735.
Ông Bùi Đức Thắng, Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải nam Trung bộ cho biết: "Do khu vực biển Hòn Hải quá phức tạp, bất thường nên việc cập tàu để chuyển người, tiếp tế rất khó khăn, nguy hiểm". Ông Thắng kể: "Có nhiều chuyến, tàu đã ra tới nơi nhưng phải quay lại đảo Phú Quý nằm chờ cả tháng trời, do sóng quá to và nước chảy xiết.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, chúng tôi đã 3 lần từ TP.HCM ra TP.Nha Trang (Khánh Hòa) để tham gia chuyến tiếp tế cho đảo, nhưng đều phải quay về vì khu vực Hòn Hải sóng to gió lớn bất thường. Mãi đến những ngày cuối tháng 12.2015, biển mới tạm yên vài ngày và chúng tôi lại từ TP.HCM ra Cam Ranh (Khánh Hòa), nhanh chóng theo tàu 735 ra với đảo Hòn Hải - cột mốc khổng lồ trên Biển Đông, nhưng rất ít người biết đến...
Do phải liên tục thay đổi kế hoạch đi biển Hòn Hải nên tàu 735 phải nằm chờ và xuất phát từ Cảng Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh Hòa), chứ không phải khu hậu cứ của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải nam Trung bộ nằm tại Nha Trang, như thường lệ. Đi trong vịnh, sóng nhỏ nên tàu tăng tốc chạy nhanh với tốc độ tối đa 7 hải lý/giờ (khoảng 13km/giờ)
|
Tàu 735 có trọng tải 50 tấn, sản xuất từ năm 1974 nên đã xuống cấp, cũ kỹ phải thay đổi hầu hết máy móc, trang thiết bị. Tuy vậy, tàu vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tiếp tế đảo Hòn Hải và các công việc của ngành bảo đảm hàng hải như thay thế, kiểm tra phao báo hiệu, luồng tuyến... và đã nhiều lần được cấp trên ghi nhận, khen thưởng tập thể cán bộ, thuyền viên trên tàu
|
Chuyến đi này, thuyền trưởng Văn chính thức cầm lái con tàu. Văn quê ở Nha Trang, trước khi đi biển thì vợ vào bệnh viện sinh con. Việc lớn của gia đình là vậy, nhưng anh vẫn xin được đi biển và buổi trưa ngày 24.12.2015 khi tàu đang lênh đênh trên biển, Văn nhận được tin vợ sinh con gái. Niềm vui của thuyền trưởng Văn trở thành niềm vui chung của cả tàu và đoàn công tác
|
Trước Văn, thuyền trưởng tàu 735 là anh Tuấn - một người đã có hơn 30 năm gắn bó với vùng biển nam Trung bộ, thuộc từng lạch nước - con sóng. Anh Tuấn đến tuổi nghỉ hưu nhưng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải nam Trung bộ vẫn ký hợp đồng, để anh giúp việc điều khiển con tàu, trong các công việc quan trọng, nguy hiểm như chuyến tiếp tế Hòn Hải cuối năm này
|
Vừa ra khỏi Vịnh Cam Ranh, sóng biển dữ dội khiến tàu nghiêng ngả, quay lắc và đa số thuyền viên trẻ, cán bộ công ty đều mệt mỏi, chui vào trong khoang nằm bẹp. Tàu 735 nhỏ, nên thiết kế trong khoang chật chội, bao gồm 5 chiếc giường tầng cho 10 cán bộ thuyền viên. Do vậy, mọi người phải trải chiếu xuống sàn tàu, nằm chen chúc
|
Cựu thuyền trưởng Tuấn lo âu theo dõi đường đi của tàu trên hải đồ giấy
|
Bữa cơm tối trên biển, lúc tạm lặng sóng, ngay trên phản gỗ trước khoang lái và chỉ 1 nửa số người trên tàu ăn được cơm
|
3 giờ sáng, tàu 735 đến khu vực biển Hòn Hải và chờ đợi thời điểm sóng lặng hiếm hoi để tiếp cận đảo. Các thủy thủ phải ngồi chờ sẵn trước mũi tàu, chuẩn bị thả neo và ném dây mũi, nếu vào được gần
|
Sau gần 1 tiếng đồng hồ quần đảo, tàu mới thả neo sau lái và quăng 2 dây mũi để giữ trạng thái lơ lửng, gần bến cập tàu trong điều kiện sóng to gió lớn
|
Hàng hóa tiếp tế phải quăng từ dưới tàu lên và buộc dây thừng kéo vào
|
Thủy thủ đoàn ướt rượt, mệt mỏi sau khi chuyển hàng và chuẩn bị đẩy người lên cầu cảng (có trải miếng đệm chống trượt và người ở trên đón), khi sóng dềnh mũi tàu lên ngang bờ. Các công nhân lên đảo vẫn phải mang đèn pin nhìn bước nhảy, bởi lúc này trời vẫn tối
|
Thời gian chúng tôi ở trên đảo chỉ tròn 1 tiếng đồng hồ, bởi ngay sau đó, sóng nâng cấp, tàu có nguy cơ bị sóng ép vào bờ đá, rất dễ vỡ tàu. Tảng sáng, đảo Hòn Hải dần hiện ra trước mắt với bến cảng neo tàu làm bằng xi măng kiên cố và nơi sinh hoạt, làm việc của công nhân làm nửa nhà nửa lô cốt...
|
Đảo Hòn Hải, nhìn xa như chiếc hài khổng lồ trên Biển Đông. Gần điểm cao nhất của đảo là ngọn Hải đăng và trạm chuyến tiếp sóng Viettel, mới được lắp đặt năm 2012
|
Bình luận (0)