Chị Lê Nguyệt Diễm, 32 tuổi, kinh doanh văn phòng phẩm, trú hẻm 283 Bông Sao, phường 5, quận 8, TP.HCM chưa quên được những quyển sách giáo khoa tiếng Anh thời đi học của mình chi chít những chữ viết bằng bút chì cách phiên âm những từ mới sang tiếng Việt cho dễ nhớ. “Tôi phát âm tiếng Anh không tốt, nên rất ngại phải nói với ai đó bằng tiếng Anh. Tôi biết điểm yếu của mình nên bây giờ, lúc nào tôi cũng bảo con gái của mình phải học tiếng Anh thật tốt”, chị Diễm kể.
Loay hoay học tiếng Anh
Anh Võ Trung Nghĩa, 22 tuổi du học sinh Trường ĐH điện ảnh và truyền hình Saint Petersburg, Nga cho hay anh từng rất “đau khổ” với trình độ tiếng Anh có hạn của mình. “Tôi học chuyên tiếng Nga, sang Nga du học cũng sử dụng phần lớn bằng tiếng Nga, tôi có học thêm tiếng Tây Ban Nha, nhiều khi tôi thấy mình như bị “loạn” ngôn ngữ, tôi nói một câu, vừa có tiếng Anh, tiếng Nga và cả tiếng Tây Ban Nha”, anh Nghĩa chia sẻ.
Anh Nghĩa cho hay, lúc mới bắt đầu học tiếng Anh, để ghi nhớ từ mới, anh thường dán hết giấy nhớ vào mọi đồ vật có trong nhà để nhớ được tên tiếng Anh của chúng nghĩa là gì. Anh cũng tập giao tiếp với những bạn có khả năng tiếng Anh ngang mình để sửa lỗi cho nhau. Quan trọng nhất để cải thiện trình độ của anh, anh tự "đắm" vào không gian học tiếng Anh như xem phim, nghe nhạc tiếng Anh để cải thiện trình độ của mình.
tin liên quan
Tạo môi trường hỗ trợ sinh viên học, giao tiếp tiếng Anh trong trường học“Tôi có một phương pháp hiệu quả, đó là hồi đầu mới học, nếu chưa thể nói một câu tiếng Anh hoàn chỉnh, thì cứ thay thế các từ tiếng Anh mình chưa biết bằng tiếng Việt để nói. Mình sẽ có những câu thoại vừa có tiếng Anh vừa có tiếng Việt, rồi dần dần sẽ cải thiện thành câu thoại chỉ có tiếng Anh. Phương pháp này giúp tôi có thể nâng cao trình độ tiếng Anh từ từ và khả năng phản xạ ngoại ngữ tốt”, Nghĩa chia sẻ.
Anh Lê Tuấn Anh, 24 tuổi, danh hiệu sinh viên 5 tốt, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM, cho biết hiện nay có một số bạn trẻ loay hoay trong việc học tiếng Anh, dù đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian nhưng vẫn chưa đạt được trình độ tiếng Anh như mong muốn. Lỗi ở đây, có thể là người trẻ chưa tìm đúng người thầy truyền cho mình cảm hứng và phương pháp học tiếng Anh đúng.
Bà Yulia Tregubova, tiến sĩ ngôn ngữ học, quản lý học thuật tại Language Link Academic, cho biết các học viên Việt Nam thường có những khuyết điểm như về phần phát âm, thường quên phát âm âm đuôi, âm đặc trưng /sh/ cũng thường bị nhầm và đánh đồng phát âm với /s/, âm /th/ cũng gây khó cho người nói. Đối với phần ngữ pháp, lỗi sử dụng các thì là lỗi phổ biến hơn cả, đặc biệt phải kể đến lỗi nhầm lẫn giữa hiện tại đơn và quá khứ đơn. Các lỗi chia danh từ số nhiều bất quy tắc cũng là những lỗi thường thấy ở các bạn trẻ.
“Chưa kể đến việc nhiều bạn thường hay bối rối với ngữ điệu trong câu nói và trọng âm của từng từ. Đây cũng là điều dễ hiểu vì ngữ điệu của tiếng Anh không giống với ngữ điệu của tiếng Việt. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự mất cân bằng về những kỹ năng...”, tiến sĩ ngôn ngữ học Yulia Tregubova nói.
Hãy 'dạo chơi' với tiếng Anh
Nguyễn Phương Nga, học sinh lớp 9 Trường THCS Archimedes Academy, người vô địch trong cuộc thi Olympic tiếng Anh THCS năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, cho biết cha mẹ em đều có năng khiếu ngoại ngữ nên đã truyền cảm hứng cho em về việc học và thực hành một ngôn ngữ mới. Học tiếng Anh với Phương Nga không mang áp lực, nó giống như một cuộc dạo chơi. “Tôi thích nghe nhạc, xem phim, đọc sách tiếng Anh. Tôi thường đọc một cuốn sách bằng tiếng Việt trước, sau đó đọc chính cuốn đó bằng tiếng Anh. Tôi rất mê sách văn học, như Harry Potter, Túp lều bác Tôm… chẳng hạn”.
|
Phan Nguyễn Văn Trường, 25 tuổi, cựu du học sinh nhận học bổng Trường ĐH quốc gia Singapore, nhà khởi nghiệp sáng lập GoHub, cho biết bí quyết học tiếng Anh của anh là "không là gì cả". "Tôi không có cảm giác mình đang học tiếng Anh, niềm đam mê và cảm giác dễ chịu khi tiếp nhận một ngôn ngữ đã khiến cho tôi thấy tiếng Anh rất thú vị. Khi bạn vứt bỏ được áp lực, bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn".
Theo bà Yulia Tregubova, các bạn trẻ Việt Nam nên tận dụng internet để phục vụ việc học; đa dạng hóa các bài nghe tiếng Anh, thường xuyên thay đổi nguồn luyện nghe, từ các bài hát cho đến các bản tin, xem phim điện ảnh, hoạt hình để thẩm thấu được nhiều phong cách nói chuyện, cũng như cách phát âm của nhiều vùng miền; tìm thấy niềm vui trong các bài đọc; tạo điều kiện luyện tập mọi lúc, mọi nơi như khi làm việc, đi chơi, hay đi du lịch hãy nắm bắt những cơ hội được sử dụng và luyện tập tiếng Anh.
“Các bạn không nên coi tiếng Anh chỉ như một môn học, hãy coi đó là một kỹ năng mình cần có. Giống như việc chơi thể thao để tăng sự bền bỉ hay sử dụng nhạc cụ giúp giải tỏa áp lực, sử dụng tiếng Anh cũng chính là một yếu tố quan trọng cấu thành sự thành công của một người, là cầu nối cá nhân với xã hội rộng lớn”, bà Yulia Tregubova chia sẻ.
Đừng học tiếng Anh theo kiểu "Trẫm mời khanh đi ăn hủ tiếu"
Trong một diễn đàn cho người trẻ mới đây tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, giảng viên nhà trường, cho rằng tiếng Anh là môn dễ học, chỉ cần chăm chỉ và thông minh. Tiến sĩ Dũng kể lại câu chuyện của mình: “Khi tôi học tầm lớp 9, người bạn bên cạnh không cho tôi chép bài Anh văn nữa vì bảo tôi chép 'dốt', chép nguyên xi bài, nên cả hai đều điểm kém. Tôi nói với bạn, 3 tháng sau tao sẽ giỏi hơn mày. Và tôi đã làm được”.
Tiến sĩ Dũng kể, ông mua từ điển, học ngày đêm, mỗi ngày xé một trang và học tiếng Anh, thi đố với người khác, cứ lật một trang bất kỳ và hỏi nghĩa từ đó là gì. Tuy nhiên, vào đại học, điểm Anh văn của ông chỉ tầm 7 điểm, ông từng thắc mắc với trưởng khoa và được trả lời, đáng lẽ chỉ 6 điểm thôi: “Ngôn ngữ viết của tôi chỉ có trong từ điển, nó trịnh trọng nhưng không thực tế, kiểu Trẫm mời khanh đi ăn hủ tiếu. Sau đó, cô trưởng khoa cho tôi tài liệu học, lần thứ 2 tôi được giác ngộ. Sau này khi ra nước ngoài sống, cô để lại một lá thư, viết chỉ có trò Dũng làm được công việc mà cô để lại, đó là vinh dự lớn trong đời tôi”.
|
Bình luận (0)