Giá đắt gấp 4 - 5 lần
Cuối tuần qua, Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn đã lên tiếng cảnh báo một số website bán vé tàu Tết Đinh Dậu với giá đắt gấp 4 - 5 lần so với giá vé chính thức của ngành đường sắt. Đó là những website như vietnam-railway.com, vietnamtrainticket.com, vietnamrailways.net, cheapvietnamtrain.com... Trong khi đó, địa chỉ website dsvn.vn mới là trang chính thức và duy nhất của Tổng công ty đường sắt VN có bán vé tàu.
Các website giả mạo này đã lựa chọn tên miền giống tên tiếng Anh của ngành đường sắt. Khi hành khách liên hệ đặt mua vé thông qua các website giả mạo, chủ các website này sẽ lấy thông tin của hành khách, sau đó vào website của ngành đường sắt đặt mua vé. Khi đặt thành công, họ gửi mã vé cho hành khách và lấy giá đắt gấp đôi.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết vé tàu bán cho hành khách thông qua các website giả là vé thật nhưng giá đắt hơn nhiều, thậm chí gấp 4 - 5 giá vé mà ngành đường sắt công bố. Tại ga Sài Gòn thời gian qua có nhiều trường hợp, khi hành khách cầm thẻ lên tàu đến ga Sài Gòn liên hệ làm thủ tục đi tàu, các nhân viên nhà ga mới phát hiện vé tàu hành khách mua của dịch vụ bên ngoài giá quá cao. Hầu hết trường hợp bị “chặt chém” là du khách nước ngoài.
Tương tự, nếu như tìm kiếm trên mạng, khách hàng sẽ thấy có rất nhiều trang web mang tên các hãng hàng không tại VN. Khác biệt duy nhất chỉ một chữ cuối, thậm chí chỉ khác một chữ "s". Cụ thể, trang web chính hãng có chữ “s” nhưng trang nhái thì không. Đó là lý do xuất hiện tình trạng vé máy bay đã mua nhưng hết hạn hoặc tới sân bay, khách hàng mới tá hỏa vì vé giả, không lên được máy bay... Việc lừa đảo thông qua website giả mạo hay nhái những trang web chính thức đã xuất hiện từ lâu nhưng có nguy cơ ngày càng gia tăng và đang lan rộng sang nhiều lĩnh vực.
Ông Võ Tấn Huy, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Vietravel, cho biết đã xử lý khá nhiều trường hợp giả mạo tên chính thức của công ty. Gần đây, giải pháp tinh vi hơn là làm thủ thuật trên trang Google Add. Khi khách hàng tìm tên Vietravel thì lại nhảy ra đường link dẫn đến trang web của công ty khác. Trong nhiều trường hợp, các công ty đó tìm cách thu hút khách đặt tour du lịch và sau đó “bán” khách sang các công ty du lịch khác để hưởng hoa hồng vì không có chức năng tổ chức lữ hành. “Chủ yếu khách là kiều bào VN thường không biết. Điều này làm ảnh hưởng không chỉ đến thương hiệu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu uy tín chung của ngành du lịch”, ông Huy nói.
|
|
Hết sức cẩn trọng
Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA - càng vào những dịp cuối năm lễ tết, website giả mạo thường xuất hiện rất nhiều. Hình thức này không mới nhưng vẫn có nhiều khách hàng bị lừa. Vì vậy trước khi thực hiện giao dịch, đặc biệt là trước khi thanh toán tiền, người dùng nên kiểm tra lại toàn bộ thông tin có liên quan đến website cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ. Nhất là với những trang web đặt tour, bán vé... có thể kiểm tra thông qua điện thoại và kiểm tra chéo ở những trang liên kết đã có thương hiệu lớn.
|
Do đó, để phân biệt được các trang web chính thức và trang web giả mạo hay làm nhái, nhất là với những người lần đầu tiên sử dụng trang web đó, TS Võ Văn Khang cho rằng cần phải kiểm tra đơn vị sở hữu tên miền là ai. Ví dụ ở địa chỉ https://vietnam-railway.com thì chủ đăng ký tên miền này là một đơn vị không rõ tên tuổi tại Canada. Như vậy sẽ không thể có chuyện lại đi bán vé tàu của VN. Bước kế tiếp là nếu diễn ra các hoạt động về thương mại điện tử thì trang web đó phải có chứng chỉ số bảo mật (thông qua biểu tượng ổ khóa màu xanh trước địa chỉ website). Hầu hết các tổ chức tài chính ngân hàng hay những thương hiệu lớn đều sử dụng chứng chỉ số bảo mật này trong giao dịch.
Ngoài ra, đối với những trang web có hoạt động thương mại điện tử tại VN thì người dùng có thể kiểm tra tìm thấy trong danh bạ có đăng ký với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) ở địa chỉ www.vecita.gov.vn. Đó là những nguồn khách hàng có thể xem xét trước khi tiến hành giao dịch. “Những trang thông tin chính thống và có giao dịch về thương mại điện tử đều dùng chứng chỉ số bảo mật định danh để nâng cao tính bảo mật. Ở VN, các website không có chứng chỉ số rất dễ bị giả mạo và đây là điều mà doanh nghiệp cần xem xét lại”, TS Võ Văn Khang nhấn mạnh. Thực tế trang web bán vé tàu dsvn.vn của Tổng công ty đường sắt VN vẫn chưa sử dụng chứng chỉ số bảo mật định danh này, trong khi nhiều trang nhái đã sử dụng dấu hiệu này!
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định: “Quy định có thể xử phạt những hành vi lừa đảo thông qua mạng internet như lập website giả đều đã có đầy đủ. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cũng khó theo kịp và kiểm soát được hết các chiêu trò của những kẻ cố tình lừa đảo, nhất là qua mạng internet. Vì vậy, bản thân người dùng và các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình trước vấn nạn này”.
Phát hiện vé tàu tết giả
Ngày 12.12, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết vừa báo Ban Chỉ huy Công an P.9, Q.3, TP.HCM về việc phát hiện vé tàu tết giả tại khu vực ga Sài Gòn.
Theo đó, lúc 15 giờ ngày 11.12, hành khách tên Hồ Văn Tám đến bàn hướng dẫn tại ga Sài Gòn xuất trình 3 chứng minh nhân dân và 4 thẻ lên tàu (mẫu A4) để nhờ kiểm tra thông tin. Kết quả kiểm tra các mã vé trên hệ thống bán vé điện tử, nhà ga phát hiện 4 vé trên sai thông tin tên hành khách và giấy tờ tùy thân; chỉ đúng mác tàu, ngày đi, số chỗ, giá vé. Những vé giả được hành khách mua qua “cò” hoạt động phía trước khu vực ga Sài Gòn. Sau khi phát hiện các vé có dấu hiệu sửa tên và số giấy tờ tùy thân, nhân viên tổ vé đã giải thích cho hành khách, đồng thời báo sự việc cho bảo vệ và Công an P.9, Q.3. Ngoài ra, trong buổi sáng 12.12, ga Sài Gòn còn phát hiện thêm 4 vé giả và tiếp tục bàn giao cho Công an P.9, Q.3 xử lý.
|
Bình luận (0)