Web3 có bình đẳng khi vẫn phải chịu kiểm duyệt từ Apple, Google?

23/02/2022 14:31 GMT+7

Dù sinh ra để giảm bớt quyền lực và sự kiểm duyệt từ các “gã khổng lồ công nghệ’, Web3 hay tiền mã hóa vẫn phải tuân theo quy định của Apple, Google trên kho ứng dụng di động.

Web3 ứng dụng công nghệ blockchain và được nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghệ ca tụng bởi khả năng chống kiểm duyệt nhờ tính phi tập trung. Điều này giúp giảm bớt quyền lực của các “ông lớn” trên interrnet như Google, Facebook, Twitter…, trao cho người dùng quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính, số phận của chính họ trên môi trường mạng. Nhưng Web3 hay tiền mã hóa liệu có thực sự phi tập trung như cách người ta hình dung về nó?

Theo The Verge, tiền mã hóa vẫn vướng phải vấn đề lớn khi công nghệ này khá kén người dùng, ít nhất là với những người sử dụng internet thông thường. Do vậy, các dịch vụ tập trung hóa đã phát triển dành cho tập khách hàng không rành công nghệ như Coinbase, OpenSea, Metamask, VeVe hay Rarible. Trong khi đó, các ứng dụng thanh toán chính như Venmo, PayPay… bổ sung khả năng thanh toán tiền điện tử vào dịch vụ của mình. Bằng cách này, đại chúng có thể tiếp cận với tiền mã hóa nếu có nhu cầu. Những người đã rành rọt đương nhiên cũng sử dụng vì giao diện thân thiện và giúp bảo vệ họ khỏi các vụ lừa đảo.

Tính phi tập trung nhằm bình đẳng internet nhưng vẫn chịu sự kiểm duyệt của Apple, Google…

AFP

Nhưng người dùng sẽ cần lên kho ứng dụng của Google hay Apple để tải những phần mềm trên về máy di động cá nhân và sử dụng. Như vậy, các dịch vụ tập trung giúp người dùng tiếp cận tiền mã hóa đương nhiên phải nằm trên 2 kho phần mềm này. Và để xuất hiện tại đây, Apple lẫn Google sẽ bắt buộc nhà phát hành chấp thuận những yêu cầu mà họ đưa ra. Hiểu một cách đơn giản, hai tập đoàn này đang hình thành các điều khoản về nội dung cho Web3.

Trong một bài đăng của CEO Coinbase Brian Armstrong vào 4.2 vừa qua, ông khẳng định “Mọi ứng dụng muốn được xuất hiện trên kho ứng dụng của Apple hay Google đều phải thuận theo luật chơi của hai công ty này”. Điều này đồng nghĩa bất kể điều gì được Apple, Google xác định nằm trong nội dung chính sách của họ, các công ty blockchain như Coinbase đều tuân theo. Nếu họ để ý tới nội dung nào và muốn đối tác xóa đi, Coinbase sẽ xóa. Công ty này theo đuổi chủ nghĩa thực dụng khi tránh các vấn đề không liên quan tới nhiệm vụ chính của doanh nghiệp - điều giúp hãng vẫn tồn tại trong khi nhiều đối thủ đã phải đóng cửa.

Chuyện Apple “nhào nặn” Web3 không phải suy diễn suông khi hãng từng nhiều lần tác động tới đối tác muốn xuất bản ứng dụng trên App Store nhằm giữ “lãnh địa” này trong tầm kiểm soát. Ví dụ, "táo khuyết" đã xử lý Parler - trang truyền thông xã hội vì kiểm duyệt không hiệu quả. Parler chỉ được quay lại App Store sau khi thay đổi hoạt động kiểm soát nội dung. Google, Amazon cũng làm điều tương tự. Hay như vụ lùm xùm giữa Apple và Epic Games liên quan tới chống độc quyền, công ty này không cho cửa hàng game Epic xuất hiện trong hệ sinh thái của mình vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, "nhà táo" từng từ chối công cụ Goolge Search trên App Store hồi năm 2012 vì cho rằng “những ứng dụng thế này nên cho phép người dùng quyền lựa chọn bản đồ thay vì buộc sử dụng phiên bản độc quyền” bởi chưa đầy 4 tháng trước đó, hãng tung ra ứng dụng bản đồ của mình mang tên Apple Maps.

May mắn cho những người yêu thích tiền mã hóa là Apple tới nay vẫn có động thái khuyến khích khi cho phép một vài ứng dụng xuất hiện trên App Store. Nguyên nhân có thể bởi "táo khuyết" vẫn đang thu 30% phí hoa hồng từ giao dịch trong các sản phẩm kỹ thuật số trên kho ứng dụng của họ. Ví dụ, nếu một ai đó muốn mua sản phẩm NFT trong phần mềm bất kỳ ở App Store, Apple sẽ thu về tay 30% giá trị giao dịch bởi NFT rõ ràng là món hàng kỹ thuật số. Nhưng đồng thời hãng cũng có thể thay đổi bất kỳ lúc nào.

Như vậy, khi các nhà phát triển muốn đưa Web3, tiền mã hóa thành một công nghệ đại trà cho mọi người dùng trên thị trường thì Apple, Google hay Amazon là những hãng nắm đằng chuôi, điều phối thị trường này theo hướng họ muốn. Bởi bộ ba đang nắm giữ những kho ứng dụng di động lớn nhất thế giới, nơi các phần mềm muốn xuất hiện, được người dùng biết tới thì phải chấp thuận điều khoản họ đưa ra. Và dù người dùng có hào hứng với tương lai Web3 phi tập trung, tin vào một nền internet bình đẳng ra sao, thực tế công nghệ này vẫn tập trung vào tay các “gã khổng lồ công nghệ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.