WHO: Giữ số ca nhiễm Covid-19 không tăng đã khó, muốn kéo giảm phải nỗ lực gấp đôi
01/04/2020 00:06 GMT+7
Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc phong tỏa và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt tại Ý nhằm kiềm chế sự bùng phát của virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 trong 2 tuần qua sẽ sớm cho kết quả, nhưng vẫn cần luôn cảnh giác.
Tự động phát
Bác sĩ Mike Ryan, giám đốc các chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc phong tỏa và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt tại Ý sẽ sớm giúp kiềm chế sự bùng phát của dịch Covid-19 nhưng vẫn cần cảnh giác cao độ, không được chủ quan lơ là.
Ông hy vọng Ý và Tây Ban Nha sẽ tiến đến gần giai đoạn ổn định số ca nhiễm. Một khi đã ổn định thì tìm cách giảm số ca nhiễm xuống về 0.
|
“Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để giảm xuống? Và làm giảm số ca Covid-19 không chỉ là về việc phong tỏa rồi thôi. Để số ca nhiễm giảm xuống, chứ không chỉ là ổn định, thì cần ngành y tế phải nỗ lực gấp đôi để đẩy nó xuống. Số ca nhiễm sẽ không tự giảm đi, nó phải được dập xuống. Và đó là mục tiêu chúng ta cần các nước tập trung vào.”
Ông Ryan cũng cho rằng dù việc phong tỏa là vô cùng khó khăn và đau đớn, nhưng đôi khi đó là “biện pháp duy nhất” để làm chậm sự lây lan của virus.
“Các nước, nếu họ có thể không phải dùng đến cách tiếp cận bao gồm phong tỏa, đóng cửa mà vẫn khống chế virus được virus, thì buộc phải có sẵn hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng, cách ly, cô lập, theo dấu phát hiện ca nhiễm, họ phải chứng minh được rằng có thể truy dấu con virus.”
|
“Bởi vì nếu chỉ thực hiện phong tỏa thì sẽ không hiệu quả. Nhưng thật không may trong một số tình huống hiện nay, chúng là biện pháp duy nhất mà các chính phủ có thể thực hiện để làm chậm sự lây lan của loại virus này.”
Trong hôm 30.3, số ca nhiễm virus corona mới gây dịch Covid-19 tại Ý là 4.050, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 17.3. Trong khi đó, số ca tử vong ngày 30.3 dù cao hơn so với ngày 29.3 (812 so với 756) nhưng đã dần có sự ổn định. Hiện tại, Ý vẫn tiếp tục là nước có số tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với tỷ lệ chiếm hơn 1/3.
Bình luận (0)