Ngày 16.9, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ kỹ thuật cho ngành y tế TP triển khai hoạt động chăm sóc và quản lý bệnh không lây nhiễm.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình xử trí lồng ghép các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế phường, xã, thông qua việc sử dụng “Gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO" (WHO PEN), Sở Y tế đã làm việc chính thức với đoàn chuyên gia thuộc Văn phòng WHO tại Việt Nam do bác sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam làm trưởng đoàn. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện tổ chức PATH, Viện Y tế công cộng, các chuyên gia từ Đại học Y Dược TP.HCM và đại diện một số trung tâm y tế, trạm y tế.
Bác sĩ Socorro Escalante (hàng đầu, thứ 2 bên trái), Quyền Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam trong chuyến làm việc tại TP.HCM |
duy tính |
Cách làm hiệu quả và thiết thực nhất là dựa vào hệ thống y tế cộng đồng
Qua các buổi làm việc, các chuyên gia của WHO cho rằng, cách làm hiệu quả và thiết thực nhất khi triển khai chăm sóc và quản lý bệnh không lây nhiễm là dựa vào hệ thống y tế cộng đồng. Cụ thể là Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) là cơ quan chịu trách nhiệm chính để điều phối, giám sát, theo dõi, lượng giá kết quả…
Cùng với đó, trạm y tế phường, xã cùng với mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng là nơi triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc tại cộng đồng các bệnh không lây nhiễm.
Trong giai đoạn đầu nên tập trung nguồn lực ưu tiên cho 2 bệnh phổ biến nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường. Và không nhất thiết phải đưa bác sĩ chuyên khoa tim mạch và nội tiết của các bệnh viện về y tế cơ sở để thực hiện, thay vào đó là các bác sĩ trẻ thực hành tổng quát (như cách làm của TP). Thậm chí các y sĩ, điều dưỡng đã qua huấn luyện đều hoàn toàn đảm trách tốt công tác chăm sóc người bệnh mắc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
Để chương trình thành công, theo WHO cũng cần mở rộng danh mục, cung ứng thuốc cho trạm y tế, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó là tăng thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở.
Ngoài ra, các chuyên gia WHO khuyến cáo ngành y tế TP nên triển khai thêm hoạt động phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm - là bệnh có tỷ lệ mắc gia tăng nhanh sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, các chuyên gia của WHO cũng nói đến vai trò của trung tâm y tế và các bệnh viện tuyến huyện, một yếu tố cấu thành không thể thiếu cho hệ thống y tế cộng đồng trong việc sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng hơn được chuyển đến từ các trạm y tế.
Theo cam kết của bà Socorro Escalante, các chuyên gia của WHO sẽ có những buổi làm việc với kế hoạch chi tiết nhằm hỗ trợ ngành y tế TP.HCM triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc bệnh không lây nhiễm cho người dân TP thông qua hệ thống y tế cộng đồng.
Bình luận (0)