Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông tin mới nhất về kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát lây truyền đậu mùa khỉ từ người sang người thông qua các nỗ lực phối hợp toàn cầu, khu vực và quốc gia (sau đây gọi tắt là kế hoạch).
WHO ước tính, trong 6 tháng tới (từ tháng 9.2024 - tháng 2.2025), dự kiến cần có 135 triệu đô la Mỹ để WHO, các quốc gia thành viên, các đối tác bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), cộng đồng và các nhà nghiên cứu, cùng nhiều bên khác, tài trợ cho hoạt động ứng phó. Kêu gọi tài trợ cho những nội dung WHO cần để thực hiện kế hoạch sẽ sớm được đưa ra.
Kế hoạch nêu trên được đưa ra sau khi Tổng giám đốc WHO tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế vào ngày 14.8 vừa qua.
Theo WHO, kế hoạch được xây dựng tập trung vào việc thực hiện các chiến lược giám sát, phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó toàn diện; thúc đẩy nghiên cứu và tiếp cận công bằng các biện pháp đối phó y tế như xét nghiệm chẩn đoán và vắc xin; giảm thiểu lây truyền từ động vật sang người; và trao quyền cho cộng đồng để tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Tiêm chủng sẽ tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao nhất, bao gồm những người tiếp xúc gần với các ca bệnh gần đây và nhân viên y tế, để cắt đứt chuỗi lây truyền.
Ở cấp độ toàn cầu, trọng tâm là hướng dẫn kịp thời dựa trên bằng chứng và tiếp cận các biện pháp đối phó y tế cho các nhóm có nguy cơ cao nhất ở các quốc gia bị ảnh hưởng. Ở cấp quốc gia các cơ quan y tế sẽ điều chỉnh các chiến lược để ứng phó với các xu hướng dịch tễ học hiện tại.
WHO đánh giá, các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng có thể được kiểm soát và có thể ngăn chặn. Để làm được như vậy, cần có một kế hoạch hành động toàn diện và phối hợp giữa các cơ quan quốc tế và các đối tác quốc gia và địa phương; các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất; và các quốc gia thành viên.
Hội nghị khoa học trực tuyến được WHO tổ chức diễn ra vào ngày 29 - 30.8, với sự tham gia của đại diện các tổ chức liên quan, các nhà khoa học để cùng thảo luận về nghiên cứu đậu mùa khỉ với các mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo về các triệu chứng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ: là trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...).
Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt (trên 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.
Và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.
Bình luận (0)