Trong tuyên bố ngày 1.2, Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) của WHO cho biết thói quen hút thuốc, uống rượu, tình trạng béo phì và ô nhiễm không khí là những nguyên nhân chính khiến số ca ung thư gia tăng, AFP đưa tin.
Theo IARC, thế giới "ước tính sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư mới vào năm 2050", tăng 77% so với khoảng 20 triệu ca được chẩn đoán vào năm 2022.
Dữ liệu mà IARC thu thập được từ 185 quốc gia và liên quan 36 chứng ung thư khác nhau cho thấy cứ 5 người sẽ có 1 người mắc ung thư trong đời. Về tỷ lệ tử vong, cứ 9 người nam sẽ có 1 người và cứ 12 người nữ sẽ có 1 người qua đời vì bệnh này, theo Reuters.
Song mối đe dọa từ căn bệnh khác nhau tùy thuộc vào nơi bệnh nhân sống. Ví dụ, ở các nước phát triển nhất, cứ 12 phụ nữ thì có 1 người mắc ung thư vú trong đời, nhưng 71 phụ nữ mới có 1 người qua đời vì căn bệnh này. Ở các quốc gia nghèo hơn, cứ 27 phụ nữ thì có 1 người mắc ung thư vú và cứ 48 phụ nữ lại có 1 người tử vong vì căn bệnh.
"Gánh nặng ung thư toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng phản ánh cả sự già hóa và tăng trưởng dân số, cũng như những thay đổi trong việc con người tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, một số trong đó có liên quan đến việc phát triển kinh tế xã hội", tuyên bố chỉ ra.
"Thuốc lá, rượu và tình trạng béo phì là những lý do chủ chốt khiến số người mắc ung thư ngày càng nhiều, trong đó ô nhiễm không khí vẫn là tác nhân chính đứng sau các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường", IARC đánh giá.
Phát hiện ung thư vú chỉ qua quét dấu vân tay?
WHO cho biết các quốc gia phát triển nhất dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng lớn nhất về số người mắc ung thư, ước tính năm 2050 sẽ có thêm 4,8 triệu ca mới so với năm 2022.
Song xét về tỷ lệ phần trăm, các quốc gia có Chỉ số Phát triển Con người (HDI) ở mức thấp nhất sẽ có mức tăng lớn nhất - lên tới 142%. Trong khi đó, các quốc gia xếp ở nhóm giữa về HDI dự kiến ghi nhận mức tăng 99%.
IARC cũng cho biết các chứng ung thư khác nhau đang ngày càng ảnh hưởng đến dân số khi lối sống thay đổi. Ví dụ, ung thư đại trực tràng hiện là loại ung thư phổ biến thứ ba và gây tử vong nhiều thứ hai. Ung thư đại trực tràng có liên quan đặc biệt đến tuổi tác cũng như các yếu tố lối sống như béo phì, cũng như hút thuốc và uống rượu.
Tuy nhiên, ung thư phổi cũng quay lại trở thành loại ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với 2,5 triệu ca mắc mới và 1,8 triệu ca tử vong hàng năm. IARC cho biết điều này có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá dai dẳng ở châu Á.
WHO cho rằng gánh nặng ung thư sẽ phản ánh tình trạng "bất bình đẳng rõ ràng" giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Ông Freddie Bray, người đứng đầu bộ phận giám sát ung thư tại IARC, cho biết: "Tác động của sự gia tăng này sẽ không được cảm nhận đồng đều ở các quốc gia có HDI khác nhau... Những nước có ít nguồn lực nhất để quản lý gánh nặng ung thư của mình sẽ phải gánh chịu gánh nặng ung thư toàn cầu".
Bình luận (0)