Như mọi người đã biết, Nhật Bản đi vào lịch sử với tư cách đội đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup nhờ 'chỉ số fair-play'. Quy định đã được đặt ra từ trước, nên 'nạn nhân' của họ là Senegal không có lý do gì để phàn nàn...
Điều đáng bàn ở đây: "chỉ số fair-play" trong điều lệ World Cup của FIFA thực chất chỉ là số thẻ vàng, thẻ đỏ (quy thành điểm trừ, ai bị trừ ít nhất thì được xem là có tinh thần fair-play cao nhất).
Trọng tài nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá, Pierluigi Collina, từng nói trong một cuốn hồi ký về quan điểm của ông khi phạt thẻ. Nếu trận đấu đã có tỷ số 3-0 và sắp kết thúc, ông sẵn sàng bỏ qua một lỗi đáng phạt thẻ vàng. Vì trận đấu khi ấy sẽ diễn ra một cách tự nhiên hơn. Nếu đấy là trận quan trọng, căng thẳng và đôi bên sớm tỏ ra nóng nảy ngay từ đầu, ông có thể rút ngay thẻ vàng đối với một lỗi không thật sự đáng phạt thẻ vàng. Mục đích là để cầu thủ đôi bên phải tự kiềm chế.
Một cách tổng quát, Collina nói (muốn hiểu là "dạy" cũng được): việc quan trọng nhất của trọng tài là giữ cho trận đấu luôn nằm trong khuôn khổ luật lệ, đồng thời diễn ra một cách tự nhiên. Trên thực tế, khi trọng tài Nga Valentin Ivanov phất thẻ vàng đến 16 lần (có 8 chiếc được quy thành 4 thẻ đỏ) trong trận Bồ Đào Nha - Hà Lan tại World Cup 2006; hoặc trọng tài Tây Ban Nha Antonio Lopez Nieto phất thẻ vàng 16 lần (có 4 chiếc được quy thành 2 thẻ đỏ) ở trận Cameroon - Đức tại World Cup 2002, họ đều bị cả thế giới chỉ trích. Không ai quan tâm những chiếc thẻ vàng có đúng người, đúng tội hay không. Chỉ biết các trọng tài Lopez hoặc Ivanov đã không kiểm soát được trận đấu, làm cho trận đấu "của họ" trở nên hỗn loạn. Như thế là trọng tài thất bại.
Đội tuyển Nhật Bản giành quyền vào vòng hai nhờ fair-play, nhưng liệu họ có hiểu hết ý nghĩa bao la của từ này?
Khoan nói đến quan điểm riêng vốn đã rất khác nhau giữa các trọng tài (cho dù họ đều áp dụng luật bóng đá, chứ không thiên vị), rõ ràng việc phạt thẻ còn liên quan đến hoàn cảnh riêng của tình huống hoặc trận đấu cụ thể. Mặt khác, theo luật mà nói thì các lỗi dẫn đến thẻ vàng cũng quá khác nhau. Cầu thủ cởi áo để ăn mừng bàn thắng (thẻ vàng) và cầu thủ phạm lỗi thô bạo (thẻ vàng) đều giống nhau, qua lăng kính fair-play?
Hồi xưa, cầu thủ Robbie Fowler của Liverpool tự ngã trong vùng cấm địa, đúng lúc thủ môn David Seaman của Arsenal lao ra cản phá. Trọng tài thổi phạt đền. Fowler lập tức nói với trọng tài rằng anh tự ngã chứ không hề va chạm với Seaman. Trọng tài vẫn giữ nguyên quyết định. Fowler liền sút hỏng phạt đền. Sau đó báo chí ca ngợi tinh thần cao thượng của Fowler, nhưng anh đính chính: anh sút... dở, chứ không phải cố tình sút hỏng. Fowler đã nói thật rằng Seaman không phạm lỗi. Còn khi trọng tài vẫn quả quyết là phạt đền thì Fowler phải sút bóng nghiêm túc, vì cầu thủ không được cố tình sút hỏng phạt đền. Đâu ra đó! Đấy mới thật sự là "tinh thần fair-play".
Trong khi CĐV ở Nhật Bản thoải mái bộc lộ niềm hạnh phúc khi đội nhà đi tiếp vào vòng 16 đội, thì CĐV của quốc gia này ở nước ngoài lại rơi vào tình huống bối rối, ngượng ngùng vì chẳng mấy ai đến chia sẻ niềm vui, thậm chí còn dè bỉu cách mà đoàn quân Samurai vượt qua vòng bảng.
Giả sử có một cầu thủ "đàng hoàng" như Fowler tại World Cup, thì đội của anh có được điểm fair-play? Chắc chắn rằng không. Ngược lại, cầu thủ bị phạt thẻ vàng thì sao gọi là phản fair-play được? Vì bất cứ lý do gì, anh ta phạm lỗi, và chấp nhận lãnh thẻ vàng một cách đúng luật. Đâu có chỗ nào là gian dối! Tại sao FIFA không trừ điểm fair-play đối với những hành động gian dối một cách rõ ràng, như Neymar (Brazil) "ăn vạ" và VAR chứng tỏ anh chỉ vờ ngã, mà lại phạt cầu thủ (hoặc đội bóng) biết chấp nhận lãnh thẻ vàng theo đúng luật định?
Dùng "chỉ số fair-play" như một tiêu chí xếp hạng thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng cái cách chấm điểm fair-play của FIFA thì quá lố bịch!
Bình luận (0)