World Cup 2022: Bất ngờ hay không bất ngờ?

06/12/2022 08:56 GMT+7

Đây là một kỳ World Cup đầy bất ngờ, khi nhìn lại kết quả vòng bảng. Ả Rập Xê Út thắng Argentina; Cameroon thắng Brazil; Tunisia thắng Pháp; Nhật thắng cả Đức lẫn Tây Ban Nha và loại Đức; Ma Rốc thắng và loại Bỉ; Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha và loại Uruguay…

Hệ quả: lần đầu tiên đại diện của mọi châu lục đều có mặt ở giai đoạn knock-out World Cup. Tuy nhiên, đã không mảy may xuất hiện một bất ngờ nào sau nửa chặng đường của vòng 16 đội. Hà Lan, Argentina, Anh và Pháp dễ dàng thắng Mỹ, Úc, Ba Lan và Senegal để lọt vào vòng tứ kết.

Nói rằng Bỉ và Đức về nước ngay sau vòng bảng là kết quả đích đáng cũng được. Hoặc nếu cho rằng đấy là kết quả bất ngờ, thì đấy chẳng qua là bất ngờ có thể lý giải. Các trận thua có vẻ bất ngờ khi nhìn vào bề mặt của Argentina, Brazil, Bồ Đào Nha ở vòng bảng cũng là như vậy.

Tuyển Bỉ và Kevin De Bruyne bị loại từ vòng bảng

Reuters

Không phải các đội “kèo dưới” đồng loạt mạnh lên, mà thực chất của vấn đề là các đội bóng nổi tiếng đều đã đồng loạt yếu đi. Đấy là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt kết quả “không bình thường” ở vòng bảng. Mà khi các đội bóng lớn yếu đi, có thể phân thành hai nhóm rất rõ ràng: đấy là sự suy yếu nhất thời, hoặc… yếu thật. Nhóm sau không thể gượng dậy, còn nhóm đầu khi đã khắc phục được vấn đề riêng của từng đội thì lại trở nên mạnh mẽ, với cái hơn mang màu sắc đẳng cấp ở giai đoạn knock-out.

Đức yếu thật, quá rõ ràng. Một đội bóng coi như không có tiền đạo thì chẳng bao giờ đáng được xếp vào hàng ngũ “đại gia”. Và đấy cũng chính là điểm yếu khiến Đức bị loại ngay sau vòng bảng từ World Cup 2018. Quay sang đội Bỉ: chính Kevin De Bruyne đã thừa nhận nhược điểm ai cũng thấy: “Chúng tôi quá già”. Ngay từ thời đỉnh cao cách đây 4 năm, Bỉ cũng đã yếu hơn sự thể hiện trên bề mặt (rằng đấy là đội có giá chuyển nhượng tổng cộng cao nhất, là đội tốp đầu trong bảng xếp hạng FIFA…). Chẳng có “đại gia” nào lại ăn mừng thành tích đứng thứ 3 World Cup còn hơn đội khác đoạt chức vô địch. HLV của họ chỉ là một Roberto Martinez - người bị Everton sa thải và trước đó chỉ huấn luyện Wigan, Swansea.

Brazil, Pháp và Bồ Đào Nha đều chỉ thua Cameroon, Tunisia và Hàn Quốc trong trận “thủ tục” của họ, sau khi toàn thắng 2 trận đầu tiên để sớm vượt qua vòng bảng. Với các đội này, đấy chẳng qua là các trận “giao hữu trá hình”, với mục đích thử nghiệm riêng của từng đội. Khác biệt so với World Cup ngày xưa là ở chỗ: trước đây, ngay cả khi “đại gia” thay đổi đội hình và thử nghiệm lối chơi trong trận cuối cùng, thì họ thường cũng vẫn thắng. Chỗ này, cần phải ghi nhận: khoảng cách về trình độ giữa các ĐTQG ngày nay đã được rút ngắn đáng kể, theo chiều hướng (như đã nêu): các đội được cho là mạnh giờ đang đồng loạt yếu đi.

Nguyên nhân khiến các ĐTQG nổi tiếng suy yếu: họ không có lực lượng đồng đều, đơn giản vì không được mua sắm lực lượng thoải mái như các “siêu CLB”. Đá chung trong một hàng công với Romelu Lukaku thì hẳn nhiên, Kevin De Bruyne (Bỉ) không thể xuất sắc như chính anh ở Man.City. Cũng không có chuyện De Bruyne “nâng cấp” các đồng đội xung quanh như Leandro Trossard, Yannick Carrasco, Dries Mertens, bởi họ đến từ những môi trường bóng đá khác nhau, khoác áo các CLB khác nhau, không có sự nhuần nhuyễn do ít tập. Ở đội tuyển Đức, giới chuyên môn đã bàn từ trước giải: không có bất cứ đồng đội nào ở CLB Bayern Munich chơi trong hàng hậu vệ thì khung thành của Manuel Neuer khó mà an toàn như thường thấy. Neuer cố bác bỏ nhận định này, nhưng thực tế ra sao, ai cũng đã thấy rõ. Cũng vậy: các tiền vệ Bayern sau bao nhiêu năm “làm bóng” cho Robert Lewandowski thì bấy giờ họ không có ai để kiến tạo. Tài năng của Lewandowski cũng trở nên lãng phí khi anh phải khoác áo đội Ba Lan tầm thường.

Argentina, sau những trục trặc ban đầu, giờ đã khẳng định sức mạnh nhờ tìm ra công thức để liên kết Lionel Messi với phần còn lại trong đội hình. Pháp của ngôi sao Kylian Mbappe cũng đã ổn dần, khi World Cup bắt đầu “vào guồng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.