Thất bại của trường phái giữ bóng nhiều
Tuyển Tây Ban Nha (áo đỏ) giữ bóng nhiều nhưng dừng bước ở vòng 16 đội |
reuters |
Tây Ban Nha khiến cả thế giới xôn xao khi đạt đến những cột mốc không thể tưởng tượng trong bóng đá đỉnh cao, ngay trận ra quân: giữ bóng 82%, với hơn 1.000 đường chuyền, khiến đối thủ không sút được quả nào trong suốt trận… Rút cuộc, lối chơi thiếu biến hóa khiến họ phải dừng bước ở vòng 16 đội. Toàn giải, 5 đội giữ bóng nhiều nhất là Tây Ban Nha (bình quân 76,8%), Anh (63,6%), Bồ Đào Nha (60,9%), Đan Mạch (60,4%) và Đức (59,8%). Tất cả đều không vào nổi bán kết. Bỉ (57,4%) và Brazil (55,2%) cũng nằm trong “top 8” về tỷ lệ giữ bóng nhiều và đó cũng là những đội thất bại tại World Cup này. Ngược lại, Ma Rốc chỉ giữ bóng 38,4%, đứng thứ 27/32 về tỷ lệ giữ bóng. Pháp cũng chỉ là đội trung bình về mặt này (52,7%, đứng thứ 14). Họ đều thành công.
Nhìn lại World Cup 2022: Bất ngờ và đầy cảm xúc |
Bù giờ nhiều chưa từng thấy
Có lúc (như trận ra quân của Anh gặp Iran), trận đấu được kéo dài đến 24 phút bù giờ (tính chung 2 hiệp). Đó là một trong những nét mới do chính FIFA chỉ đạo tại World Cup này: thời gian “chết” được bù giờ tối đa. Nhờ thời gian bóng lăn nhiều hơn và cầu thủ xuống sức nhiều hơn so với những kỳ World Cup trước đây nên các nhân tố vào sân từ ghế dự bị ghi bàn nhiều nhất xưa nay. Các đội có quan điểm, lối chơi bất biến như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brazil thất bại một phần vì không có sự linh động tương xứng với những nét mới vừa nêu.
Hiệp 1 trận tuyển Anh thắng Iran được xem lập kỷ lục về thời gian bù giờ tại World Cup 2022: 14 phút |
afp |
Không pressing tầm cao
Đây là đặc điểm hợp lý, dù thoạt nhìn thì nó quá khác so với đấu trường CLB mà giới hâm mộ đã xem hằng tuần và quá quen thuộc. Tình huống pressing tầm cao (tiền đạo tích cực áp sát một cách đồng bộ để gây khó khăn hoặc tranh bóng ngay từ khi đối phương triển khai bóng từ hậu vệ) hầu như không xuất hiện tại World Cup này. Nguyên nhân: đấy là cách đá cao cấp đòi hỏi sự nhuần nhuyễn vốn chỉ có được từ hoàn cảnh tập hằng ngày và thi đấu hằng tuần ở các CLB. Pressing tầm cao mà không thành công thì hậu quả cũng to lớn: đối phương có khoảng trống để tấn công. Thay vì pressing tầm cao, các đội tại World Cup ưu tiên phòng thủ giữa sân thật chặt chẽ và chỉ pressing ở hàng tiền vệ. Nhiều bất ngờ xảy ra, theo nghĩa các đội mạnh bó tay không thể tấn công đối thủ yếu hơn, là vì điều này. Điển hình là trận Argentina thua Ả Rập Xêt Út. Khu vực giữa sân tràn ngập cầu thủ cũng là nguyên nhân làm cho tỷ số 0-0 xuất hiện nhan nhản trong giai đoạn đầu của World Cup.
“Số 10” hồi sinh
Neymar nêu cao vai trò “tiền vệ số 10” trong đội Brazil |
reuters |
Vai trò “tiền vệ số 10” giờ đã hiếm thấy đến mức coi như “tuyệt chủng” trong loại hình bóng đá tầm CLB. Nhưng tại World Cup 2022, vai trò này không chỉ hồi sinh mà còn thành công rực rỡ trong nhiều trường hợp. Xuất sắc nhất trong đội hình Pháp ở các trận knock-out quan trọng là Antoine Griezmann chứ không phải Kylian Mbappe. Luka Modric (Croatia), Sofyan Amrabat (Ma Rốc) đều là những nhân tố quan trọng, góp công lớn vào thành công của toàn đội. Brazil nhìn chung thất bại, nhưng cá nhân Neymar thì lại nêu cao vai trò “tiền vệ số 10” trong đội bóng này.
Nghệ thuật… đi bộ
Messi lừ đừ di chuyển nhưng luôn quan sát tinh tế, phán đoán tình huống tuyệt vời |
reuters |
Luka Modric và Lionel Messi chỉ là hai trường hợp tiêu biểu nhất nói lên thành công của các lão tướng tại World Cup này. Họ thành công không phải vì những pha bóng “rực lửa” như thời đỉnh cao, mà vì lối chơi thông minh. Họ chỉ lừ đừ di chuyển nhưng luôn quan sát tinh tế, phán đoán tình huống tuyệt vời và xử lý khôn ngoan, chính xác. Báo giới phải dùng đến cụm từ “nghệ thuật đi bộ”, và cho rằng đấy là nét mới độc đáo không chỉ của Messi hoặc Modric. Có một “nghệ thuật đi bộ” tại World Cup này. Đấy là cách có tác dụng giữ sức và thường làm cho đối phương mất cảnh giác.
Hiện tượng Ma Rốc
Ma Rốc chính là hiện tượng thú vị tại World Cup 2022 |
reuters |
Gây bất ngờ bằng cách loại khỏi cuộc chơi nhiều đối thủ danh tiếng và là đội châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết World Cup, có lẽ chính Ma Rốc - chứ không phải những nhà vô địch - là đội sẽ được nhớ đến nhiều nhất tại World Cup này. Cùng với Ma Rốc thì Nhật Bản là trường hợp đáng kể khác sẽ được nhớ đến bởi ấn tượng tuyệt vời mà họ để lại (thắng Đức, Tây Ban Nha để vượt qua vòng bảng và thi đấu ngang ngửa trước khi thua Croatia trong loạt sút luân lưu).
Bình luận (0)