Nhìn lại World Cup 2022: Bất ngờ và đầy cảm xúc |
Từ trung tâm Doha đến các thành phố vành đai như Lusail, Ar-Rayyan hay xa hơn nữa là Al Khor nằm giữa miền sa mạc; từ các ga tàu điện ngầm đến làng cổ động viên, từ Fan Fest rộng mênh mông đến những sân đấu sôi động, đất nước Qatar đã trải qua một tháng sôi động chưa từng có.
“Metro, this way !”
Đầu buổi chiều qua, tôi đi bộ từ khu Fan Festival bên bờ biển tới ga tàu điện West Bay cách đấy chừng hơn một cây số để lên tàu tới sân Lusail, nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2022 vào chiều cùng ngày. Trên đại lộ Al Corniche thênh thang đã được phong tỏa để biến thành lối đi bộ trong suốt tháng qua, những tình nguyện viên đủ các màu da - da đen đến từ Kenya, Sudan; da ngăm ngăm đến từ Ấn Độ, Bangladesh - xếp hàng dọc hai bên đường. Bận áo hai màu xanh tím, cầm trên tay những chiếc loa, vẫy tay và chỉ tay về phía nhà ga: “Metro, this way!” (Tàu điện, lối này!). Điệp khúc ấy được phối thành những bản nhạc vui tươi, được các cô gái, chàng trai cất lên mỗi ngày và nhún nhảy theo. Người hâm mộ, du khách cũng theo đó mà phụ họa, đôi lúc tạo thành những màn flash mob nho nhỏ bên đường.
Một tình nguyện viên đang hướng dẫn cổ động viên lên xe buýt |
Suốt một tháng diễn ra World Cup, bên cạnh các trận cầu sôi động, điệp khúc ấy là một trong những điều mà mỗi người tới Qatar đều nhớ, đều thuộc. Thi thoảng, vào lúc đi bộ từ ga tàu điện về nhà trọ, tôi bất giác hát lên “Metro, this way!” một mình trong đêm.
Khoảng 20.000 tình nguyện viên được chọn từ 400.000 hồ sơ ứng tuyển đã giúp tạo nên một World Cup vui vẻ và dạt dào tình cảm. Họ luôn hỗ trợ đắc lực và kịp thời cho bất cứ ai gặp thắc mắc, khó khăn. Đón xe buýt ở đâu? Hãy hỏi họ. Cài ứng dụng Uber thế nào? Hãy hỏi họ. Ghế ngồi trên sân ở đâu? Hãy tiếp cận họ. Và sau mỗi trận đấu, từ khu Fan Festival hay từ các sân vận động, bạn sẽ lại gặp họ với điệp khúc: “Metro, this way!”.
Điệp khúc giản dị ấy là biểu hiện sinh động của công tác tổ chức chặt chẽ mà nhẹ nhàng, không hề lên gân của nước chủ nhà World Cup 2022. Sau nhiều nghi ngại, chỉ trích và tranh cãi, World Cup đã diễn ra một cách trọn vẹn. Khán giả và các phóng viên tới Qatar đã được chứng kiến một kỳ World Cup được tổ chức có lẽ tốt nhất từ trước đến nay.
World Cup là một trải nghiệm khó quên với nhiều người |
World Cup “tuyệt vời nhất”
Nước chủ nhà Qatar đã bỏ ra hơn 220 tỉ USD cho công tác tổ chức World Cup. Con số này cao gấp chừng 15 lần so với giải đấu tại Nga 4 năm trước. Sở dĩ số tiền mà Qatar bỏ ra lớn là do họ bắt đầu nhiều thứ từ con số 0: nhiều sân vận động được xây mới hoàn toàn; nhiều khu nhà ở, đô thị, nhiều tuyến đường ô tô, đường sắt cũng thế; thậm chí có thành phố được xây mới hoàn toàn. Bên cạnh đó là số tiền chi cho truyền thông, với nhiều nhân vật tên tuổi lớn của thế giới bóng đá làm đại sứ hình ảnh.
Số tiền đầu tư khổng lồ cho thấy quyết tâm của Qatar trong việc biến một sự kiện lịch sử - lần đầu tiên World Cup diễn ra tại thế giới Ả Rập - thành một sự kiện có tầm vóc lịch sử đúng với tính chất của nó. Nỗ lực ấy của nước chủ nhà đã được chứng minh và ghi nhận. Hôm 16.12, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã khẳng định đây là kỳ “World Cup tốt nhất từ trước đến nay”, trong đó ông đặc biệt đánh giá cao công tác tổ chức.
Ý kiến của ông Gianni Infantino ít nhiều mang tính “tự khen”, nhưng cũng không khác mấy nhận xét của nhiều người hâm mộ mà tôi gặp. Cơ sở vật chất tốt, đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình và đắc lực, hệ thống giao thông thuận tiện, sân bãi tuyệt vời, các hoạt động bên lề đa dạng, an ninh trật tự cực tốt là những điểm tích cực nhất mà người hâm mộ nước ngoài có thể nhận thấy.
“Hệ thống xe buýt được tổ chức quá tốt. Nhờ đó mà chúng tôi không phải tự tính toán chuyện đi lại”, anh Thomas Simpson, một cổ động viên người Anh, chia sẻ. Carlos Brum, ông bạn thân người Bồ Đào Nha của tôi, cũng cho rằng đây là kỳ World Cup tuyệt nhất trong 6 kỳ mà ông từng đi. “World Cup này được tổ chức tốt nhất. Tệ nhất có lẽ là kỳ ở Brazil”, ông nói.
Bên ngoài bóng đá, World Cup 2022 cũng đã tạo ra những “hiệu ứng” không ngờ. Sự kiện thể thao này đã giới thiệu hình ảnh một Qatar, và thế giới Ả Rập, thân thiện và chan hòa, ít nhiều bảo thủ nhưng cũng sẵn sàng mở lòng.
Người hâm mộ vui đùa cùng các tình nguyện viên |
ĐỖ HÙNG |
“Tôi không phải là người hâm mộ bóng đá nhưng lần đầu tiên đi xem World Cup, tôi đã thấy nhiều ý nghĩa lớn từ môn thể thao này. Với bóng đá, mọi người hiểu nhau hơn, gắn kết hơn, như anh em vậy”, bà Luningning Sierra đến từ Philippines nói. Lời của bà Sierra chính là minh họa cụ thể cho điều mà ông Infantino đã nhấn mạnh: “Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đã tới Qatar và khám phá thế giới Ả Rập, một thế giới mà họ không biết hoặc họ vốn chỉ biết qua những gì được thuật lại cho họ nghe”.
Bóng đá dường như còn tạo nên một sự đoàn kết sâu rộng, ít nhất là tạm thời, trong thế giới Ả Rập, điều mà các nỗ lực chính trị từ xưa đến nay đều đã thất bại. Người Ả Rập từ Tunisia, Sudan, Syria, Qatar, Ả Rập Xê Út hay bất cứ đâu đều “cùng chung chiến hào” khi có một đội tuyển Ả Rập thi đấu. Khắp các khán đài và cả trên sân cỏ, họ cùng nhau giương cao lá cờ của Palestine để bày tỏ tình huynh đệ.
Vẫn còn đó những điều chưa được ở nước chủ nhà World Cup, như nhiều quy định nghiêm ngặt đã hạn chế bớt sự bay bổng và bùng nổ của cổ động viên. Những con người sống bên trong một xã hội vốn dĩ bảo thủ khó mà chan hòa theo cách người ta từng thấy ở Nam Phi, Brazil hay Nga của các kỳ World Cup trước. Nhiều vấn đề ngoài bóng đá như quyền của người lao động, người LGBTQ+ vẫn còn tranh cãi. Đâu đó trong công tác tổ chức vẫn còn vài khiếm khuyết, như một số bác tài xế xe buýt bị lạc đường, vài tình nguyện viên quanh sân không nắm thông tin tốt để hướng dẫn, vài sự kiện bị hủy vào giờ chót mà không báo trước. Các lễ hội đường phố mang nặng tính trình diễn sắp đặt cũng bớt đi phần nào sự ngẫu hứng, tự nhiên.
Thế nhưng, công tác tổ chức chỉn chu, một thế giới Ả Rập huyền bí, những trận cầu chất lượng cao… đã chinh phục được những người đến với Qatar trong suốt một tháng qua.
World Cup hạ màn, ngôi nhà trọ tôi ở tại khu Bin Mahmoud cũng đượm màu lưu luyến. “Xem xong trận chung kết tôi sẽ ra sân bay luôn”, anh Jose De Soto nói với tôi vào buổi sáng qua. Anh sẽ mất 17 tiếng đồng hồ cho chuyến bay trở về Mexico quê anh. Thomas Simpson, anh Arthur Virgo ở Anh cũng rục rịch chuẩn bị về. Những người bạn Ả Rập Xê Út và Pháp cũng thế. Ngôi nhà trọ chật kín người và ồn ào thâu đêm suốt sáng, với đủ thứ chất giọng, ngôn ngữ, món ăn suốt một tháng qua trong chốc lát nữa thôi sẽ lại trống trải. Cũng như thành phố Doha và đất nước Qatar này, sau những ngày ồn ào náo nhiệt, lại trở về nhịp sống bình thường.
Cuối buổi chiều qua, tôi lại bước vào sân Lusail để chứng kiến thời khắc thăng hoa cuối cùng sau một tháng sôi động khó quên. Và rồi tôi sẽ nói lời tạm biệt. Tạm biệt Doha, tạm biệt những tình nguyện viên dễ mến, tạm biệt những người dân địa phương đã sốt sắng giúp tôi thắt đúng cách chiếc khăn đội đầu Ả Rập. Tạm biệt một nơi mới ngày nào còn lạ lẫm giờ đã trở nên quá đỗi thân thương.
Những con người chợt gặp, những dòng cổ động viên ồn ào, những chuyến tàu nêm kín, tất cả đều trôi vào miền quá khứ, nhưng những ký ức đẹp thì mãi ở lại.
Bình luận (0)