Về quê là thấy "lạc quẻ"
Đã 5 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Phạm Đức Tiên (27 tuổi - quê Bình Định) ngụ tại Khu dân cư Bình An, P.Bình An, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chia sẻ: "Mỗi lần… deadline dồn dập, áp lực công việc cao, mình lại nghĩ đến việc về quê. Với mình, quê nhà là nơi nương náu an toàn".
Đức Tiên cho hay có những hôm stress quá, chỉ muốn bỏ hết mọi thứ để về với mẹ, ăn bát canh chua cá lóc và ngủ một giấc thật ngon. Đức Tiên cho biết ngày đầu tiên về quê mình cảm thấy rất háo hức. Nhưng đến ngày thứ ba, Đức Tiên bắt đầu thấy không quen.
"Đi đâu cũng phải tự lái xe máy, không có xe ôm công nghệ. Muốn ra ngoài ăn vào buổi đêm cũng không có, mạng wifi thì chập chờn. Chắc là ở thành phố lâu nên mình quen với tiện nghi nơi ấy rồi", Đức Tiên nói.
Không chỉ khó khăn về mặt tiện nghi, người trẻ còn thấy "lạc quẻ" với chính những người thân, bạn bè ở quê. Thái Kim Hoàng (26 tuổi - quê Hậu Giang), nhân viên quán ăn tại đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho hay: "Bạn bè cũ giờ ai cũng có gia đình, con cái. còn mình thì vẫn độc thân. Nhiều khi ngồi nói chuyện chẳng còn tìm được điểm chung".
Hoàng cũng nhăn mặt khi nhắc về những lần về quê ăn giỗ. "Mỗi lần gặp mặt là y như rằng sẽ có một loạt câu hỏi "hóc búa" từ người thân: bao giờ lấy vợ, lương được bao nhiêu, con trai chú A cùng tuổi cháu đã có hai đứa con rồi... Hoàng kể.
Những câu hỏi tưởng chừng thân quen này lại khiến Hoàng cảm thấy áp lực. "Mỗi lần nghe mấy câu hỏi đó, mình thấy chán nản vô cùng. Có lần còn lén lút soạn hành lý, đặt vé xe trở lại thành phố sớm hơn dự định chỉ để tránh những cuộc "thẩm vấn" như vậy", Hoàng than thở.
Chàng trai cho hay dù hiểu đó là sự quan tâm của người thân, nhưng cách hỏi han và so sánh khiến bản thân cảm thấy ngột ngạt, thậm chí ngại về quê trong những dịp sum họp gia đình. "Đôi khi mình tự hỏi, không biết khi nào mới có thể về quê mà không phải lo đối phó với những câu hỏi này", Hoàng trăn trở.
Thích về quê vào dịp tết
Thổ lộ về nỗi nhớ nhà khi sống xa quê, Võ Thị Thảo Trang (23 tuổi - quê Quảng Nam), ngụ ở đường Lũy Bán Bích, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM, nói: "Khi nhớ nhà, mình thường mở điện thoại lục lại những tấm ảnh chụp chung với gia đình hoặc gọi điện về trò chuyện với mọi người". Cô gái trẻ kể, mỗi dịp lễ tết nhìn bạn bè rục rịch về quê là lòng lại thấy tủi thân, đôi khi còn khóc vì nhớ nhà. "Ngày xưa hay khóc lắm, nhưng bây giờ quen dần rồi", Trang cười.
Đã gần một năm rồi, Trang chưa về thăm nhà, nên cô nàng cũng rất háo hức chờ đến ngày tết để được về quê. Tuy nhiên, Trang cũng cho biết bản thân chỉ thấy vui khi về nhà vào dịp tết.
"Hồi còn là sinh viên, một năm mình về quê được 2-3 lần. Mình vẫn thích về quê vào dịp tết nhất, ở nhà bao lâu cũng không chán vì có không khí sum vầy, vui tươi", Trang kể. Còn những lần về quê vào dịp hè hay ngày thường, chỉ khoảng một tuần là cô nàng đã muốn quay lại TP.HCM. "Ở nhà cứ ra vào quanh quẩn không biết đi đâu, mình lại bắt đầu nhớ nhịp sống thành phố. Nhớ những buổi tối chạy xe ngắm đường phố và cả những món ăn vặt quen thuộc", Trang nói.
Đó có lẽ là tâm trạng chung của nhiều người trẻ xa quê nỗi nhớ cứ đan xen giữa hai nơi. Khi thì da diết nhớ về quê hương, lúc lại khao khát trở lại với nhịp sống thành thị.
Thạc sĩ tâm lý Đinh Thị Lan, Trung tâm tâm lý giáo dục Happy Smile, cho rằng việc người trẻ không thể tận hưởng cuộc sống vui vẻ ở thành phố và cả chán khi về quê là lẽ thường. Hiện tượng này xảy nhiều ở những người đang trong giai đoạn phát triển bản thân và chịu áp lực nhất của cuộc sống hiện đại.
"Nếu băn khoăn, lo lắng quá nhiều cho việc lựa chọn nên tiếp tục ở thành phố hay trở về quê sinh sống thì người trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, thiếu tập trung, làm giảm hiệu quả công việc", thạc sĩ Đinh Thị Lan nói.
Thạc sĩ Đinh Thị Lan khuyên: "Những người trẻ đang ở trong tình trạng chưa thể cân bằng được về cảm xúc khi lo lắng, căng thẳng giữa việc "ở quê nhớ phố - ở phố lại nhớ quê". Trước tiên, hãy nên vẽ ra cho mình những "cái được" và "cái mất" khi chúng ta lựa chọn cuộc sống ở thành phố và nông thôn. Sau đó, chúng ta sẽ cân nhắc xem giữa được và mất, từ đó sẽ chấp nhận cái nào trước khi quyết định. Cuối cùng, khi đã quyết định, chúng ta hãy sống có trách nhiệm với lựa chọn đó của mình, tìm ra những điểm tốt trong môi trường sống đã chọn để phát triển bản thân, công việc và sống tích cực, hạnh phúc hơn".
Bình luận (0)