Xâm nhập mặn và hạn hán ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp ở Việt Nam

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
12/09/2022 16:15 GMT+7

Theo GS Trần Thanh Vân, nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng rất lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông.

Sáng 12.9, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP.Quy Nhơn), Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với ICISE, Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức khai mạc hội thảo Ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp/hành động cần thiết.

Tham dự hội thảo có 25 nhà khoa học và quản lý ở các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam và 10 nhà khoa học quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo

icise

Trong thời gian 2 ngày (12 - 13.9), các đại biểu sẽ trình bày và thảo luận về tình trạng môi trường ở Việt Nam thông qua các báo cáo như: Chất ô nhiễm vi mô ở Việt Nam - tổng quan về sự hiện diện và khả năng gây nhiễm đến con người (GS Từ Bình Minh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội); Dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm nông nghiệp (TS Võ Hữu Công, Học viện Nông nghiệp Việt Nam); Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông - tình trạng, ô nhiễm và ảnh hưởng đến cá (GS Nguyễn Văn Công, Đại học Cần Thơ); Ô nhiễm bụi khí và chất khí ở Hà Nội: tình trạng hiện tại và xu hướng (GS Phạm Duy Hiển, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam); Tích tụ vi nhựa trong cá biển và khả năng gây nhiễm đến con người (TS Trần Thanh Sơn, Trung tâm ICISE và GS. Thẩm Hoàng, Đại học Auburn, Mỹ)…

Các nhà khoa học thế giới tham dự hội thảo cũng chia sẻ những kinh nghiệm của họ về vấn đề ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người và khuyến cáo để bảo đảm phát triển bền vững… Qua đó, các đại biểu, các nhà khoa học sẽ đưa ra những kiến nghị để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái trong khi vẫn bảo đảm phát triển bền vững cho Việt Nam.

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

icise

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, sự phát triển về kinh tế và công nghiệp gần đây của Việt Nam đã giúp thúc đẩy đất nước phát triển lớn mạnh và nhanh chóng về kinh tế. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp cũng đã gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cứ theo đà tăng trưởng và phát triển này, môi trường ở Việt Nam cũng sẽ ngày càng bị ảnh hưởng thêm, nhất là ở khu vực đô thị và vùng công nghiệp. Hệ thống nước mặt và nước ngầm ở nhiều nơi ở Việt Nam đã bị nhiễm bẩn bởi hóa chất phát thải từ nhà máy công nghiệp, nước sinh hoạt gia đình, và xả thải từ bề mặt do mưa lũ. Sự nhiễm bẩn này gây ra mối nguy hại và khả năng ảnh hưởng đến sinh vật sống trong môi trường tự nhiên…

“Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là đối với vùng duyên hải. Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng rất lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông. Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống và hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa và có biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả”, GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.