Xâm nhập “tập đoàn” trại gấu ở Hạ Long - Kỳ cuối: Xử lý như... không

11/09/2009 12:16 GMT+7

Không chỉ có Tuổi Trẻ phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật trong việc nuôi nhốt gấu lấy mật, nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cũng đã lên tiếng. Thế nhưng câu trả lời chỉ là “không có” hoặc “không thể xử lý”.

Trong thư ngày 4-5-2009 gửi các cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch) Cục Kiểm lâm VN..., Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN đã cảnh báo hoạt động hút mật gấu bán cho du khách, chủ yếu là khách Hàn Quốc, là vi phạm các quy định của pháp luật VN về quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Chưa kể, việc du khách mua mật gấu và mang khỏi VN còn vi phạm quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites) mà VN là thành viên. Bộ NN&PTNT và Cục Kiểm lâm cũng đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh kiểm tra xử lý nhưng cơ quan này “khẳng định không có việc công khai hút mật gấu”.

Điều mà Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh khẳng định hoàn toàn không sai, bởi vì các chủ trại nuôi gấu thừa biết việc hút mật gấu để bán cho du khách là vi phạm pháp luật nên chẳng bao giờ họ “công khai”.

Xử lý kiểu nghe báo cáo

Luật sư Trần Phạm Thanh Loan: Trách nhiệm của Cục Kiểm lâm

Cục Kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo xử lý vi phạm trong hoạt động gây nuôi động vật hoang dã thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo quy định của pháp luật.

Chi cục kiểm lâm (cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương) có trách nhiệm quản lý, xác nhận năng lực sản xuất của các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Theo quy chế quản lý gấu nuôi, việc săn bắn, bẫy bắt, mua bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khẩu gấu và sản phẩm dẫn xuất từ gấu trái với quy định của pháp luật là hành vi bị cấm. Chi cục kiểm lâm có trách nhiệm giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm quy chế này và các quy định của pháp luật để xử lý hoặc tham mưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.

Sau nhiều ngày xâm nhập các trại gấu ở Hạ Long để điều tra, thu thập bằng chứng, ngày 27-8 phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc qua điện thoại với ông Hà Công Tuấn - cục trưởng Cục Kiểm lâm VN - đề nghị một cuộc hẹn để cung cấp thông tin và nghe ý kiến của cơ quan này.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết đang ở Hà Nội và đề nghị phóng viên làm việc với ông Đỗ Quang Tùng, chánh văn phòng Cites. Ông Tùng nhìn nhận tuy là cơ quan chuyên trách theo dõi việc thực thi Công ước Cites tại VN nhưng văn phòng Cites chỉ có bốn người nên chủ yếu chỉ nhận báo cáo từ cơ quan kiểm lâm các địa phương là chính chứ không thể kiểm tra, giám sát thực tế. Hơn nữa, theo ông Tùng, việc quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã đã được phân cấp cho chi cục kiểm lâm các tỉnh, TP nên ngay cả Cục Kiểm lâm cũng khó can thiệp.

“Xử lý rất khó”

Một lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Bộ Công an) cho biết xử lý triệt để các hoạt động trái phép liên quan đến động vật hoang dã rất khó. Chưa kể việc có liên quan đến người nước ngoài đòi hỏi phải phối hợp nhiều cấp và nhiều ngành. Tương tự, ông Đỗ Quang Tùng cũng lắc đầu khi phóng viên đề nghị cho biết những hành vi trái luật như phóng viên ghi nhận được nếu bị bắt quả tang thì có xử lý hình sự được hay không.

Trong khi đó, theo điều 190 Bộ luật hình sự hiện hành, “người nào săn bắt, giết, vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Xử lý kiểu “hợp thức hóa”

Sau vụ 80 con gấu không gắn chip bị phát hiện ở Quảng Ninh cuối năm 2007, nhiều cơ quan chức năng cùng các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trong và ngoài nước đã kiến nghị tịch thu hết số gấu này đưa về trung tâm cứu hộ chăm sóc trước khi thả về rừng. Thế nhưng thay vì xử lý kiên quyết theo quy định hiện hành, ngày 10-3-2008 Bộ NN&PTNT lại có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép các hộ nuôi gấu tiếp tục được nuôi và “chỉ nên áp dụng biện pháp xử lý hành chính người nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trái phép”.

Ngày 31-3-2008, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận với đề xuất của Bộ NN&PTNT. Kết cuộc là một vụ việc thay vì phải xử lý nghiêm để giữ kỷ cương, pháp luật lại chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính và tang vật vi phạm cũng được “hợp thức hóa”.

Luật sư Huỳnh Văn Nông: Trách nhiệm hình sự của người nuôi, nhốt gấu

Ở đây cần phân biệt hai hành vi:
- Hành vi buôn bán trái phép mật gấu, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 190 Bộ luật hình sự hiện hành.

- Hành vi nuôi nhốt gấu trái phép không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 4, điều 20 và khoản 9, điều 2 của nghị định 159/2007/NĐ-CP, mức phạt tối đa có thể lên đến 500 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong trường hợp này có thể là: thả lại nơi sinh sống tự nhiên; trong trường hợp động vật rừng bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ thì chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật; chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường; bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ sở gây nuôi động vật hợp pháp theo quy định của pháp luật; tiêu hủy các cá thể động vật rừng mang bệnh hoặc trong trường hợp không xử lý được bằng các biện pháp trên (tiểu mục 1, mục I phần B thông tư 90/2008/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Theo quy định này thì không có mục nào cho phép các hộ nuôi gấu tiếp tục được nuôi nhốt, do đó biện pháp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất là không đúng pháp luật.

Kể từ ngày 1-1-2010, hành vi nuôi nhốt trái phép gấu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Trong một số trường hợp, người vi phạm có thể bị phạt đến bảy năm tù.

Theo NGUYỄN TRIỀU / Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Phận gấu sau cánh cổng bí ẩn
>> Kỳ 2: ”Ăn dày” trên thân xác gấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.