Xăng dầu, than, phân bón, lúa mì… đẩy nhập siêu tháng 5 vọt 1,73 tỉ USD

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/06/2022 18:39 GMT+7

Kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh, hơn 100%, khiến cán cân thương mại tháng 5 thâm hụt đến 1,73 tỉ USD.

Ngày 1.6, báo cáo về tình hình sản xuất thương mại và công nghiệp tháng 5 của Bộ Công thương công bố cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 32,2 tỉ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 56,4%).

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 152,16 tỉ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng hơn 36%), trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 53,2 tỉ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 99 tỉ USD, tăng 15%.

Trong tháng 5, nhập khẩu xăng dầu các loại tăng hơn 123%

ĐỘC LẬP

Đáng lưu ý, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong tháng 5 nhập khẩu tăng hơn 16%, đạt 135,3 tỉ USD, chiếm 89%. Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Cụ thể, nhập khẩu than đá tăng tới 109,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 123,2%; dầu thô tăng 46,8%; Khí đốt hoá lỏng tăng 65,2%...

Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: lúa mì tăng 39,5% (chủ yếu do sự tăng về giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 72,4%; hóa chất tăng 30,2%; phân bón tăng 48% (riêng ure tăng gần 108%); cao su các loại tăng gần 33%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; phôi thép tăng 39%...

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt gần 49 tỉ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; thứ 2 là Hàn Quốc đạt 28 tỉ USD, tăng 33,5%; thị trường ASEAN đạt 20,5 tỉ USD, tăng gần 16%; Nhật Bản đạt 10 tỉ USD, tăng 12,4%; thị trường EU đạt 6,6 tỉ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,1%); Mỹ đạt 5,8 tỉ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tháng 5 có sự sụt giảm so với tháng 4, chủ yếu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, giảm hơn 9% so tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 30,48 tỉ USD, giảm 8,5% so tháng 4.2022, nhưng tăng 16,4% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 152,96 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 30,7%). Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn 21%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 15%.

Số liệu cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 5 tháng tăng hơn 20%,ước đạt hơn 13 tỉ USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 131,4 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Tuy nhiên, tính riêng tháng 5, xuất khẩu của nhóm hàng chế biến, chế tạo có sự sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6% (chủ yếu do sự sụt giảm về sản lượng sản xuất của Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic, giảm khoảng 10%); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 19%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 6%; xơ sợi dệt các loại giảm 7,5%; sắt thép các loại giảm 18,8%; sản phẩm từ sắt thép giảm 6,8%... Theo Bộ Công thương, nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo giảm. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 5 ước nhập siêu khoảng 1,73 tỉ USD. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước ước xuất siêu khoảng 800 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.