Xanh lại vùng đất cằn nhờ loại đậu “nhỏ nhưng có võ”

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
09/07/2020 06:23 GMT+7

Đậu xanh tằm Vĩnh Giang (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) chỉ to bằng phân nửa hạt đậu xanh bình thường, nhưng nhờ những tính năng đặc biệt, loại đậu “nhỏ nhưng có võ” này đã làm xanh lại những vùng đất cằn khô, thiếu nước , bị bỏ không trong vụ hè thu.

 

“Kẻ đóng thế”... hoàn hảo

Do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, toàn tỉnh Quảng Trị mỗi năm có khoảng 2.000 - 3.000 ha đất trồng lúa vụ hè thu không thể triển khai sản xuất do thiếu nước. Để khỏi hoang phí, ngành nông nghiệp và nông dân cố tìm những loại cây chịu hạn thay thế và đậu xanh là một lựa chọn. Tuy nhiên, khi những giống đậu xanh thông thường chỉ có khả năng chịu hạn khá, năng suất không cao và thành phẩm cũng không đẹp do tỷ lệ hạt nhăn nheo, lép lửng khá nhiều, thì giống đậu xanh tằm ở xã Vĩnh Giang lại cho thấy sự vượt trội.
Theo thạc sĩ Lê Thị Hiền Lương, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật H.Vĩnh Linh, đậu xanh tằm Vĩnh Giang là giống địa phương, có khả năng chịu hạn bền bỉ, dễ trồng và dễ chăm sóc nhưng lại cho năng suất cao, có nhiều giá trị dinh dưỡng và được thị trường ưa chuộng.
Thực tế, giữa những ngày nắng cháy của tháng 6, đất khô nứt, đến cỏ còn chết cháy nhưng ở giữa đồng đất Vĩnh Giang vẫn có màu xanh. Màu xanh đó phần nhiều là do những ruộng đậu xanh tít tắp tạo nên... Mới thấy, sức sống của loại đậu xanh tằm này ghê gớm đến mức nào. “Ngày xưa ông bà hay nói “nhỏ nhưng có võ” quả đúng với giống đậu xanh tằm này”, thạc sĩ Lương xuýt xoa.
Hiện nay ở Vĩnh Giang có khoảng 20 ha cây đậu xanh tằm, hầu hết được trồng trên những diện tích đất cằn cỗi hoặc đất trồng lúa 1 vụ. Bà Lê Thị Tính (52 tuổi, xã viên Hợp tác xã Cổ Mỹ), hiện có 0,3 ha trồng đậu xanh tằm, cho biết: “Đậu xanh tằm chúng tôi làm giá đỗ rất ngon nên làm ra bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu. Mà dường như chỉ có đất Vĩnh Giang này mới trồng tốt nên chúng tôi cũng rất yên tâm canh tác”.
Theo tính toán của người trồng, sau khi trừ chi phí mỗi vụ bình quân thu về lợi nhuận 40 triệu đồng/ha. Con số đó quả không tệ với loại cây đang “đóng thế” trên diện tích đất trồng lúa thiếu nước.

Tạo thương hiệu riêng

Ngày nay đậu xanh tằm Vĩnh Giang thơm ngon đặc biệt không chỉ là lời đồn, truyền miệng mà đã được cơ quan chức năng chứng nhận thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Từ năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Đậu xanh Vĩnh Giang” cho Hợp tác xã Cổ Mỹ. Ông Lê Chẩn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Cổ Mỹ, cho biết với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và nỗ lực của các xã viên, đơn vị hiện đã xây dựng nhà xưởng, máy móc để đóng bao bì, nhãn mác “đậu xanh tằm Vĩnh Giang” trước khi bán ra thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Khoảng 3 năm trở lại đây, hiệu quả của việc trồng giống đậu xanh này càng thể hiện rõ rệt khi dự án cải thiện nông nghiệp có tưới WB7 tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất đậu xanh trên đất lúa thiếu nước, áp dụng các giải pháp thực hành nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai ngay tại địa phương này. Nói nôm na là dự án “trồng đậu xanh tằm theo một cách... thông minh hơn”.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị), nhìn nhận trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc thì việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất đậu xanh tằm nói riêng là rất cần thiết. “Đối với đậu xanh tằm Vĩnh Giang, chúng tôi đã luôn nhắc nhở bà con ý thức việc áp dụng các kỹ thuật: gieo hạt ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, lên luống cao, tăng cường bón phân hữu cơ, tưới nước bằng hệ thống tưới phun mưa... Từ hiệu quả thực tế, ngay cả khi dự án kết thúc, cán bộ kỹ thuật cũng rời đi, thì bà con Vĩnh Giang vẫn đi theo cách sản xuất mới, thông minh và hiệu quả hơn”, ông Tâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.