Xây 'cao tốc' trong lòng dân: Ngăn chặn công trình 'siêu tốc' chờ đền bù

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
13/04/2023 08:00 GMT+7

Tại những khu vực có cao tốc Bắc - Nam đi qua từng mọc lên những công trình xây vội, tạm bợ để chờ đền bù. Bằng sự cương quyết, minh bạch, 'làm đúng để dân nghe', các cấp chính quyền đã từng bước dẹp bỏ những công trình siêu tốc này.

TRỒNG CÂY, XÂY NHÀ… SIÊU TỐC

Những ngôi nhà không sắt thép, những hàng rào không móng, những hàng cây lá héo queo sau khi được trồng vội vàng… xuất hiện rộ lên hồi quý 1/2022 ở những địa bàn có cao tốc đi qua tại Quảng Trị. Thấy người này làm được, người kia cũng làm theo. Thế là hàng chục công trình được xây dựng một cách "siêu tốc" hay cơi nới tạm bợ nối nhau mọc lên. Tất cả nhằm để "đi tắt đón đầu", chờ đền bù.

Từ khoảng tháng 4.2022, Thanh Niên liên tục phản ánh về hiện tượng xây nhà, trồng cây trái phép chờ đền bù ở các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Sơn, TT.Bến Quan (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Chỉ riêng xã Vĩnh Hà thời điểm đó đã có gần 20 hộ dân "bất ngờ" mở rộng diện tích chuồng trại, tường rào với tổng diện tích hàng ngàn mét vuông. Thời điểm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh, cho biết địa phương đã phải lập các tổ công tác, kiểm tra liên tục nhằm ngăn chặn "vết dầu loang" xây nhà, trồng cây trái phép dọc theo 14 km cao tốc Bắc - Nam ngang qua địa bàn huyện.

Xây 'cao tốc' trong lòng dân: Ngăn chặn công trình  'siêu tốc' chờ đền bù - Ảnh 1.

Những công trình xây dựng “siêu tốc” dọc khu vực đường cao tốc sẽ đi qua ở Quảng Trị

THANH LỘC

Tất nhiên, H.Vĩnh Linh không phải là trường hợp cá biệt. Tình trạng trồng cây, xây nhà trái phép "đón đầu" chờ đền bù cũng nóng bỏng ở các xã Linh Trường, Gio An, Hải Thái (H.Gio Linh) và Cam Tuyền, Cam Hiếu (H.Cam Lộ). Trên đất lâm nghiệp đang trồng cây tràm, cây cao su bất ngờ "mọc" lên không ít căn nhà xây vội với kết cấu không thể đơn giản hơn và hình hài hết sức kỳ dị. Ngoài nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi, người dân còn trồng vội một số loại cây ở các vị trí mà cơ quan chức năng vừa cắm tạm cột mốc đỏ. Tất cả như thách thức chính quyền trong bối cảnh phải khẩn trương giải phóng mặt bằng để thi công cao tốc.

CỨNG RẮN ĐỂ GIẢM THIỆT THÒI CHO DÂN

Trước tình hình trên, chính quyền các xã, huyện và tỉnh Quảng Trị đã không bất lực và chấp nhận cho những công trình, vườn cây này tồn tại. Bằng nhiều cách, từ vận động, khuyên giải đến những biện pháp mạnh hơn, hầu như những ngôi nhà, những hàng rào xây vội chờ đền bù đều bị đập bỏ.

Xây 'cao tốc' trong lòng dân: Ngăn chặn công trình  'siêu tốc' chờ đền bù - Ảnh 2.

Ông Hồ Dương, hộ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi cao tốc Bắc - Nam, khẳng định chỉ cần cán bộ nói đúng thì dân nghe

Còn nhớ có thời điểm, cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng cấp huyện và cán bộ địa chính của các xã cùng với sự hỗ trợ của lực lượng công an, dân quân tự vệ đã phải vào những "điểm nóng" để ghi nhận hình ảnh vi phạm trong xây dựng, trồng cây trái phép. "Việc này hoàn toàn không dễ bởi địa bàn có cao tốc đi qua khá rộng lớn, người dân thì né tránh, đến cánh thợ nề cũng được "huấn luyện" cứ thấy cán bộ là… bỏ chạy", ông Bùi Văn Luật, Phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ của H.Cam Lộ, nói.

Ông Trần Hoài Linh, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ, cho hay dù chính quyền và ngành chức năng ra sức cảnh báo nhưng một số người vẫn tìm mọi cách để xây nhà, trồng cây chờ đền bù. Và khi phương án "mềm dẻo" không có tác dụng, địa phương phải mạnh tay hơn bằng cách lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ công trình vi phạm hoặc tự nguyện đập bỏ hoặc bị cưỡng chế. "Nếu không mạnh dạn và cứng rắn từ đầu thì về sau sẽ gây hậu quả khôn lường, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù. Du di một trường hợp thì không biết ăn nói ra sao với các trường hợp tương tự khác", ông Linh nhớ lại.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ra hàng loạt văn bản "hỏa tốc" để các địa phương ngăn chặn, không để người dân xây dựng các công trình trái phép. 

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận chính việc ngăn chặn quyết liệt đã làm tình hình bớt phức tạp, và hơn thế nữa, giúp giảm thiểu thiệt thòi cho người dân trong tương lai. Bởi trong khâu giải phóng mặt bằng, địa phương sẽ làm rất chặt chẽ, những "công trình" trái phép sẽ chẳng thể nhận được đồng đền bù nào. Ngăn sớm, để các hộ dân khác khỏi phải tốn chi phí xây nhà siêu tốc, vì dù không kiên cố, không sắt thép thì cũng phải tốn kém gạch vữa, thuê nhân công… tối thiểu cũng vài ba chục triệu đồng. Trong khi đó, với pháp luật hiện hành và các công cụ đo đạc hiện đại, chỉ cần chính quyền và ngành chức năng làm minh bạch thì không khó để phát hiện những công trình xây dựng vi phạm. Mà đã vi phạm thì không có cơ sở để đền bù.

Xây 'cao tốc' trong lòng dân: Ngăn chặn công trình  'siêu tốc' chờ đền bù - Ảnh 3.

Dù bị kiểm tra gắt gao, nhiều người dân vẫn lén xây dựng trái phép dọc khu vực cao tốc sẽ đi qua ở Quảng Trị

"NÓI ĐÚNG THÌ DÂN NGHE"

Người viết tìm gặp ông Hồ Dương (63 tuổi, trú thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ, Quảng Trị), chủ hộ gia đình bị ảnh hưởng khá nhiều vì dự án cao tốc Bắc - Nam. Không chỉ đi qua 9 ngôi mộ của gia đình (đang chờ di dời), cao tốc còn "ăn vào" 3 sào đất rừng của ông mà trên đó có xây dựng lán trại kiên cố để nuôi gà, bò. "Không chỉ tôi mà hầu hết người dân ở địa phương sau khi nghe cán bộ giải phóng mặt bằng phân tích đều nhìn nhận được vấn đề và chấp thuận phá bỏ các công trình đã xây dựng. Nói đúng thì dân nghe thôi", ông Dương đúc kết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc Thành, cán bộ của Hội đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ của H.Cam Lộ, cũng chia sẻ không phải hộ nào cũng thấu tình đạt lý như ông Dương. "Tất nhiên là sẽ mất thời gian để giải thích, thuyết phục hơn. Có lúc tôi cũng trào nước mắt với họ… Nhưng may mắn là tính từ đầu thời điểm ồn ào về giải phóng mặt bằng đến nay, Cam Lộ chưa có trường hợp nào phải cưỡng chế", bà Thành nói. 

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.