Qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã phát hiện vô vàn hình ảnh mặt trời - hoa cúc trên nhiều hiện vật và di tích. Tuy nhiên, để có được số liệu chính xác bao nhiêu hình ảnh thì đây là một công việc không dễ và cần rất nhiều thời gian, bởi các hiện vật đều nằm trong các bảo tàng trong nước và ngoài nước, còn các di tích thì ở khắp nơi trên mọi miền đất nước, nhất là các đền, chùa. Vì vậy, ở đây tôi xin làm một phép tính sơ bộ để thấy rằng số lượng hình ảnh mặt trời - hoa cúc ở nước ta là không hề nhỏ.
Bắt đầu từ thời nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc, có thể nói trống đồng và thạp đồng ở thời kỳ này được tìm thấy số lượng bao nhiêu thì đó chính là số lượng của hình ảnh mặt trời và mặt trời - hoa cúc. Theo đánh giá sơ bộ, những hiện vật này trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài thì con số ít nhất cũng phải là 1.000. Ðó là không biết có bao nhiêu trống đã bị Mã Viện thu gom để phá hủy, và cũng không tính các trống có niên đại ở thời kỳ nước ta bị đô hộ cả ngàn năm và cả ở thời kỳ giành được độc lập, nếu tính thì con số nhiều hơn.
Tiếp đến thời quân chủ, mặt trời - hoa cúc xuất hiện nhiều nhất có lẽ là ở loại hình mũ miện, bởi với những bằng chứng được phát hiện, nếu tính mỗi một triều đại có bao nhiêu vua chúa và quan lại thì có bấy nhiêu mũ miện. Như vậy, với các triều đại như Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng, chúa Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, số lượng mũ miện sẽ lên tới nhiều trăm nghìn, trong đó tính bình quân mỗi mũ được trang trí ít nhất cũng 2 hình ảnh mặt trời - hoa cúc.
Tiếp đến là bia ký, sơ bộ đã có 22.000 văn khắc ở các thời kỳ hiện tồn và đã được in trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm của Viện Hán Nôm. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy trong đó ít nhất 65% có trang trí mặt trời - hoa cúc ở trán bia, tức là với số lượng 14.300, đó là không tính hoa cúc ở diềm bia (nếu tính thì phải là 80).
Ngoài ra, còn rất nhiều hiện vật được trang trí hình tượng mặt trời - hoa cúc, như ở triều Nguyễn với hơn 2.500 bảo vật hoàng cung (đang lưu giữ tại hai bảo tàng là Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), rồi các trang sức khánh vàng, tiền vàng, tiền bạc, huân chương Ðại Nam Long Tinh, trên đồ pháp lam, đồ sứ ký kiểu, các tủ thờ, án thờ, kiệu…, và đa phần chúng đều được trang trí mặt trời - hoa cúc. Nếu tính thì con số cũng lên nhiều nghìn.
Ðặc biệt, trên các di tích kiến trúc, mặt trời - hoa cúc đã được trang trí như một quốc huy trên khắp mọi miền tổ quốc, từ kinh đô Huế đến tận cổng làng và đình chùa. Riêng ở TP.Huế, theo thống kê của ông Nguyễn Phúc Bảo Minh (công tác tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế), chỉ tính sơ bộ trên các di tích và bia ký thì con số mặt trời - hoa cúc là 252, đó là không tính ở bên trong các di tích.
Như vậy, số lượng hình tượng mặt trời - hoa cúc đã được khắc, in, đúc, thêu ở nước ta trong thời gian hơn 2.500 năm là rất nhiều, và số còn tồn tại đến nay như trên các hiện vật, di tích, nhất là đền, chùa cũng phải gần cả trăm nghìn.
Như chúng tôi đã nêu các phát hiện và kiến giải trong nhiều bài viết đăng trên Thanh Niên: Bảo vật quốc gia bằng vàng hình sen hay cúc (11.4.2021), Hoa cúc với vương triều Nguyễn (2.5.2021), Bí ẩn về hoa cúc trên tượng Kinnari và đầu tượng tiên nữ ở chùa Phật Tích (29.8.2021), Giải mã hoa cúc trên tượng Mạc Ðăng Dung và mũ tượng quận công Nguyễn Thế Mỹ (30.8.2021), Giải mã hình hoa trên trống đồng Thanh Hóa (3.3.2022), Ai đã đúc đồng tiền vàng hoa cúc dưới thời vua Minh Mạng? (10.10.2022), Băn khoăn hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các (9.4.2023)…, hình tượng mặt trời - hoa cúc tượng trưng cho sự viên mãn, sinh sôi, trường tồn và là biểu tượng của vương quyền.
Với sự xuất hiện dày đặc, xuyên suốt và có tính hệ thống như thế của hình tượng mặt trời - hoa cúc trong suốt chiều dài lịch sử , nên chăng chúng ta cần nhanh chóng xây dựng 2 hình tượng này thành 2 trong số các biểu tượng văn hóa Việt?
Bình luận (0)