Ngày 18.9, UBND tỉnh Nam Định có công văn gửi Sở NN-PTNT, Sở TN-MT tỉnh và Vườn quốc gia Xuân Thủy để thông tin về việc chủ trương cho Vườn quốc gia Xuân Thủy xây dựng hồ sơ, đề cử trở thành Vườn Di sản ASEAN.
Theo công văn của UBND tỉnh Nam Định, đơn vị này đã xét đề nghị của Vườn quốc gia Xuân Thủy tại tờ trình số 161/TTr-VQG ngày 6.9.2023, Sở NN-PTNT có tờ trình số 2758/TTr-SNN ngày 11.9 về việc đề xuất tham gia Vườn Di sản ASEAN.
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định đồng ý cho Vườn quốc gia Xuân Thủy xây dựng hồ sơ, đề cử trở thành Vườn Di sản ASEAN. Vườn quốc gia Xuân Thủy có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục và hướng dẫn của Bộ TN-MT.
Tỉnh Nam Định giao Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, các đơn vị liên quan hướng dẫn Vườn quốc gia Xuân Thủy triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có vị thế quốc tế đặc biệt
Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích 14.500 ha, trong đó hơn 7.100 ha là vùng lõi và hơn 7.300 ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải của H.Giao Thủy.
Đây không chỉ là bãi bồi vùng triều cửa sông điển hình nhất cho hệ sinh thái ven biển đồng bằng sông Hồng mà còn là "sân ga chim" quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế; trong số đó có loài cò mỏ thìa mặt đen đã được ghi vào sách đỏ của IUCN về các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Năm 1988, Vườn quốc gia Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar. Tháng 10.2004, UNESCO công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng quan trọng số một của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, điều đó đã khẳng định vị thế quốc tế đặc biệt của Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN. Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.
Bình luận (0)