Đến nay, TikTok trở thành một trong các nền tảng mạng xã hội có nhiều người dùng nhất tại VN.
"Thả cửa" với vi phạm
Cuối tháng 7 vừa qua, cộng đồng mạng VN đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ một chương trình phát trực tiếp trên TikTok liên quan việc sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp.
Cụ thể, nội dung phát trực tiếp trên diễn ra vào chiều 25.7 đã nhanh chóng gây chú ý khi tấm bản đồ có "đường lưỡi bò" được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần. Nội dung phát trực tiếp trên được thực hiện dưới hình thức thảo luận trực tuyến và tài khoản tổ chức nội dung phát đi có tên kiểu Trung Quốc là Xiaokai…
Ngay khi buổi phát trực tiếp trên đang diễn ra, nhiều người VN đã kịp thời phát hiện nên nhanh chóng comment, phản đối mạnh mẽ hành vi sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò". Một số người tham gia thảo luận buổi phát trực tiếp cũng lên tiếng phản đối. Trước áp lực của nhiều người, buổi phát đã phải kết thúc. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, cộng đồng mạng không hề nhận thấy bất cứ biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời nào từ TikTok. Điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi, nếu cộng đồng mạng không kịp thời phát hiện thì rõ ràng quá trình "kiểm duyệt" của TikTok hoàn toàn đã "thả cửa" cho vi phạm trên.
Cũng liên quan vấn đề chủ quyền biển đảo, một số clip sai sự thật, gây nguy cơ kích động cũng hiện diện trên TikTok. Điển hình, một clip có nội dung cho rằng cuối tháng 5 vừa qua, VN đã điều động 30 tàu chiến để đối phó với lực lượng nước ngoài ở Biển Đông. Đây hoàn toàn là một tin đồn thất thiệt. Đó là chưa kể những tin tức thất thiệt khác về tình hình quốc tế như bên này bắn tên lửa, tuyên chiến với bên kia.
Đủ kiểu sai trái
Không chỉ đăng tải những nội dung vi phạm chủ quyền VN và tung tin đồn thất thiệt, TikTok giờ đây còn là "thiên đường" cho vô số clip quảng bá những dịch vụ trái phép, đồng thời còn là nơi dung dưỡng hàng lậu, hàng nhái đang hoạt động thông qua mô hình TikTok Shop.
Điển hình, Công ty mua bán nợ Đ.B cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê dưới hình thức "mua bán nợ" đã lập hẳn một kênh để giới thiệu "thành tích" những lần gây áp lực để đòi được nợ. Trong những lần xuất hiện, lực lượng của Công ty Đ.B trên khá hầm hố, nhiều người xăm trổ, ăn vận trang phục tương tự như các lực lượng tác chiến để thị uy.
Tương tự, các video giới thiệu, quảng bá các dịch vụ mại dâm cũng xuất hiện nhan nhản trên TikTok. Kèm theo đó là không ít hình ảnh, video "tươi mát" được dùng để minh họa.
Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, dịch vụ TikTok Shop của TikTok đã nhanh chóng phát triển vượt bậc, trở thành một nền tảng giao dịch thương mại trực tuyến có độ phủ lớn. Thông cáo do TikTok phát đi mới đây cho biết: "Trong năm 2022, TikTok Shop đã ghi nhận mức GMV (tổng giá trị hàng hóa) của TikTok Shop tăng gấp 11 lần, trong đó số lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần. Số lượng các nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung gia nhập vào TikTok Shop cũng tăng nhanh đáng kể với tốc độ lần lượt hơn 13 và 9 lần so với năm ngoái".
Nhưng sự phát triển của TikTok Shop cũng song hành cùng sự bùng nổ của việc bán hàng giả, hàng lậu trên nền tảng này. Từ quần áo có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng cho đến những chiếc đồng hồ, vật dụng nhái các thương hiệu đắt tiền được rao bán nhan nhản trên TikTok Shop. Đáng lo hơn là các sản phẩm liên quan chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ cũng được rao bán tràn lan, được mô tả bằng quá trình "điều chế" thủ công mà không kiểm chứng được tính an toàn.
Câu hỏi từ thuật toán
Được biết đến là một nền tảng mạng xã hội có thuật toán vận hành rất thông minh, nhanh chóng nhận thức được hành vi, sở thích người dùng nên TikTok đã đạt những thành công vượt bậc.
Nhưng như Thanh Niên từng phân tích, thuật toán của TikTok ẩn chứa vấn đề đáng quan tâm. Theo báo cáo kỹ thuật công bố hồi năm ngoái bởi ByteDance - công ty phát triển nền tảng TikTok, hệ thống thuật toán đề xuất video cho người dùng của TikTok được thiết kế để đáp ứng sở thích của từng người dùng bằng cách cung cấp nguồn cấp nội dung được cá nhân hóa. Tính năng này có được bằng cách kết hợp giữa thuật toán học sâu và xử lý dữ liệu theo thời gian thực.
Cốt lõi của hệ thống là một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến có tên là Monolith - được giới thiệu như một công cụ mới giúp các doanh nghiệp tạo ra các đề xuất tốt hơn, cá nhân hóa theo khách hàng bằng cách học hỏi từ các hành động của họ trong thời gian thực. Sự đáp ứng liên tục bằng các video ngắn của thuật toán này bị cho là nhằm "gây nghiện" người xem trong một vòng lặp bất tận.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy TikTok thậm chí còn vượt qua YouTube về mức độ sử dụng ứng dụng của trẻ em và thanh thiếu niên tại các thị trường trên toàn thế giới, một phần nhờ vào nguồn cấp dữ liệu gây nghiện của nó. Đáng tiếc hơn, kết quả của việc "gây nghiện" đã khiến không ít trẻ em làm theo nội dung trên TikTok mà dẫn đến hậu quả đau lòng.
Song hành, cách thiết kế này khiến hệ thống của TikTok sẽ luôn "đói" các nội dung thỏa mãn người dùng, nên có xu hướng đẩy càng nhiều nội dung bất kể tốt - xấu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát nội dung của TikTok bị thả nổi.
Thực tế, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT vào tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết cơ quan quản lý tổng hợp và chỉ rõ 6 sai phạm của mạng xã hội TikTok tại VN. Một trong các sai phạm là "không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm với trẻ em".
Thế nhưng, biện pháp của TikTok đối với việc kiểm soát trẻ em tiếp cận các nội dung không phù hợp lại chưa thể hiện tính khả thi. Ngoại trừ tại Mỹ, dưới áp lực của dư luận và cơ quan chức năng, TikTok xây dựng riêng kênh cho trẻ em dưới 13 tuổi thì tại VN cũng như nhiều nước khác, TikTok gần như chỉ áp dụng một số biện pháp hạn chế thời gian sử dụng mà thiếu sự hạn chế một cách hiệu quả đối với việc tiếp cận nội dung nào là phù hợp hay không phù hợp.
Trong khi đó, như đã phân tích và chỉ ra ở trên, rất nhiều nội dung tiêu cực trên TikTok. Vì thế, nếu TikTok không có biện pháp kiểm soát nội dung cũng như khu biệt nội dung dành cho trẻ em thì nền tảng ngày càng gây bất an. Ngay tại Trung Quốc, nơi khai sinh ra Công ty ByteDance - doanh nghiệp kiểm soát TikTok - thì ứng dụng này cũng sử dụng phiên bản riêng mang tên Douyin để đáp ứng các quy định của nhà cầm quyền.
Nên thiết lập chế độ trẻ em trên smartphone
Trong bối cảnh nhiều nội dung trên internet không phù hợp với trẻ em trong khi trẻ em lại tiếp cận smartphone để sử dụng internet dễ dàng hơn, các bậc phụ huynh nên áp dụng một số biện pháp phòng ngừa.
Nếu cho con mượn smartphone, máy tính bảng để dùng thì thiết bị nên có thiết lập chế độ trẻ em. Khi ở chế độ này, việc truy cập sẽ bị giới hạn về các nội dung, ứng dụng. Việc thoát khỏi chế độ trẻ em đòi hỏi phải có mật khẩu của người chủ sở hữu điện thoại.
Nếu trang bị riêng smartphone cho con, phụ huynh cũng có thể sử dụng ứng dụng Google Family Link (chạy được cả trên hệ điều hành iOS) để giới hạn thời gian truy cập internet cũng như nội dung, ứng dụng có thể truy cập.
Con của CEO TikTok… không dùng TikTok
Hồi tháng 3, ông Chu Thụ Tư, CEO của TikTok, đã có phiên điều trần tại quốc hội Mỹ. Trong phiên điều trần, ông Chu thừa nhận các con của mình không được phép sử dụng TikTok, vì các con của CEO này sống tại Singapore. Trong khi đó, luật pháp Singapore không cho phép trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng TikTok và phiên bản TikTok dành cho trẻ em dưới 13 tuổi chưa được phát hành tại Singapore.
Bình luận (0)