Xây dựng Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM

Hoàng Kim
Hoàng Kim
04/12/2020 07:11 GMT+7

Sáng qua 3.12, Ban Tuyên giáo Thành ủy kết hợp với Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM - thực trạng, nhu cầu và giải pháp với sự tham gia của rất đông kiến trúc sư, nhà văn hóa.

Không gian văn hóa công cộng (KGVHCC) là không gian chung mà mọi cư dân có quyền được tiếp cận và sử dụng chung miễn phí, bao gồm quảng trường, công viên, phố đi bộ, không gian mặt nước và dải không gian dọc bờ, vỉa hè, ngõ hẻm… Đó là nền tảng cho các hoạt động của cộng đồng giúp gia tăng sự gắn kết giữa người với người và tạo ra nét đặc trưng của thành phố. Nhìn lại, TP.HCM đã có một hệ thống KGVHCC, tuy nhiên thực tế đặt ra những vấn đề đòi hỏi phải có giải pháp, chiến lược tốt hơn.

Thiếu và... nghèo nàn

Theo tiêu chuẩn KGVHCC, mỗi người dân cần có 7 m2, nhưng hiện nay chỉ đạt 1,06 m2. Hầu hết KGVHCC đáng kể đều tập trung ở Q.1; các quận khác, đặc biệt vùng ven, không có hoặc có rất ít, hoặc không hoạt động hiệu quả, thiếu đồng bộ. Q.1 có công viên Tao Đàn, 23 Tháng 9, 30 Tháng 4, Lê Văn Tám, hồ Con Rùa, bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình... tạm gọi là xôm tụ. Nhưng theo TS Nguyễn Hồng Vinh, các nơi này vẫn còn lạc hậu, thiếu phong phú, chẳng hạn phố đi bộ Nguyễn Huệ thiếu cây xanh, các khu ẩm thực, nghệ thuật... KTS Nguyễn Trường Lưu nhấn mạnh chúng ta có 31.800 m2 diện tích ven sông mà không biết khai thác.
TS Nguyễn Thị Hậu lưu ý vỉa hè đang bị chiếm dụng bởi thói quen mua bán tùy tiện và lưu ý cả nhà ga metro với các trung tâm thương mại liệu có cạnh tranh gay gắt với chợ Bến Thành, vì chợ cũng là một KGVHCC đầy bản sắc...

Giải pháp lâu dài và tức thời

Hội thảo đề xuất về lâu dài phải quy hoạch để có một không gian chuẩn, đẹp, hiện đại. Nhà nước phải vào cuộc với sự đóng góp của các kiến trúc sư giỏi. Nhưng quy hoạch vĩ mô không đơn giản khi quỹ đất khan hiếm, công tác giải tỏa, đền bù đòi hỏi tài chính rất lớn. Vì vậy, bên cạnh quy hoạch chuẩn cho các thành phố mới, thành phố vệ tinh, phải nhanh chóng cải tạo cái cũ, cái sẵn có.
TS Nguyễn Hồng Vinh đề nghị bổ sung cây xanh, đèn chiếu sáng cho các công viên và xã hội hóa các khu ẩm thực, khu nghệ thuật quanh phố đi bộ, như chiếu chèo, cải lương, triển lãm, âm nhạc... Trong khi TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh: “Xóa lấn chiếm vỉa hè không phải là thực hiện trật tự đô thị một cách lạnh lùng, mà là quy hoạch lại cho hợp lý, bởi mua bán vỉa hè cũng là một nét đặc sắc thu hút khách du lịch”. Còn TS Lê Hồng Phước lưu ý việc giữ gìn bản sắc dân tộc, để người ta nhớ đến hai chữ Việt Nam.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nêu ý kiến: “Cần tận dụng lợi thế mặt nước kênh rạch để giới thiệu đờn ca tài tử, đầu tư cũng không tốn kém nhiều. Như đường sách Nguyễn Văn Bình cũng là nơi có thể biểu diễn đờn ca tài tử hoặc cải lương thường xuyên, chứ không phải đợi đến ngày lễ, tết mới làm”.
Qua hiến kế của các nhà kiến trúc và văn hóa, rõ ràng xây dựng KGVHCC không đến nỗi quá khó. Bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, sẽ có nhiều hạng mục được xã hội hóa tham gia. Hy vọng từ đây tới 2025, một số dự án sẽ được triển khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.