Đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ trong đời sống
Mình thấy việc chuyển đổi số (CĐS) đã giúp người dân rất thuận tiện trong xử lý các công việc hành chính. Vì vậy, mình mong rằng Chính phủ thúc đẩy quá trình thực thi Chính phủ số, xã hội số bằng việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ trong đời sống.
Tuy nhiên, việc thiết kế các ứng dụng này cần thuận tiện và thân thiện với người dùng. Cần nâng cao tính bảo mật cho người dùng.
Cạnh đó, các cơ quan hành chính nhà nước cần phải tương tác với người dân nói chung và thanh niên nói riêng qua môi trường số. Ví dụ, có thể livestream hướng dẫn người dân về thủ tục nào đấy, mình nghĩ sẽ rất hiệu quả.
Phan Thúy Thanh (giáo viên tiếng Anh, ngụ tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội)
Hướng dẫn người dân về chuyển đổi số
Tôi là quân nhân xuất ngũ và thấy rất nhiều lợi ích từ việc CĐS. Trước đây, việc thực hiện các thủ tục hành chính rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức, nhưng từ khi có Cổng thông tin dịch vụ công và định danh điện tử VNeID, tôi đã được hướng làm thủ tục nhanh gọn, thuận tiện hơn rất nhiều.
Vì vậy, tôi mong rằng việc CĐS cần được thực hiện đồng bộ, sâu rộng và triển khai đến vùng sâu, vùng xa. Những người trẻ là cán bộ cơ sở, phải vận động bà con đồng bào, đặc biệt tuyên truyền đến tận các hộ gia đình. Ví dụ, khi đi chợ cần sử dụng mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một mô hình hay đang được các đoàn viên, thanh niên hướng dẫn bà con sử dụng và cần nhân rộng mô hình này trên toàn quốc.
Cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tích cực sử dụng mạng xã hội và có những trang thông tin chính thống để tương tác với người dân. Vừa qua, một số quận của Hà Nội đã có các fanpage do những cán bộ trẻ làm admin. Tôi cho rằng mô hình này rất thiết thực, các đoàn viên, thanh niên, đảng viên trẻ ở mỗi đơn vị đang công tác có thể áp dụng triển khai.
Dương Đăng Khoa (P.Thịnh Quang, Q.Đống Đa, Hà Nội)
Cần một kênh dành riêng cho thế hệ trẻ khởi nghiệp
Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp đã diễn ra rất sôi nổi trong thanh niên và đem lại những thành tựu lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, quá trình startup của thế hệ trẻ cũng đang gặp khó khăn. Các startup hầu hết không có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp (DN), đồng thời gặp khó khăn trong việc PR, marketing, tiếp cận thị trường và còn gặp khó trong việc cạnh tranh với những DN nước ngoài.
Hiện tại, chúng ta có một số kênh riêng để giới thiệu về DN và các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp. Mặc dù vậy, các kênh này chưa thực sự phổ biến và hiệu quả cao do chưa đi sâu hỗ trợ các startup giải quyết khó khăn đang gặp phải.
Bởi vậy, tôi xin đề xuất Chính phủ hỗ trợ xây dựng và điều hành một kênh dành riêng cho thế hệ trẻ khởi nghiệp với quy mô toàn quốc. Đây sẽ là một kênh bổ sung các kiến thức kinh doanh, điều hành DN và kết nối các startup với nhau, với các nhà đầu tư, nhà cung cấp và với những nhân tài trong các lĩnh vực để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển. Đây cũng sẽ trở thành một kênh giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, thậm chí đóng vai trò như một thị trường mở cho chính các startup để kinh doanh các sản phẩm của mình.
Vũ Gia Luyện (Founder Công ty CP Giải pháp công nghệ thông tin quốc tế - ITS)
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong y tế
Theo tôi, với đặc thù khối lượng học tập, công việc nặng nề trong thời gian dài của ngành y thì việc khuyến khích sinh viên, bác sĩ, dược sĩ trẻ tham gia sâu sát vào những dự án CĐS là một thách thức. Do đó, làm sao để có được các chính sách và cơ chế phù hợp để thúc đẩy sinh viên, bác sĩ trẻ tham dự vào các hoạt động, dự án sáng tạo CĐS trong chính trường học, bệnh viện, cơ sở y tế mà vẫn được tính vào thành tích học tập, công tác là một việc cần được quan tâm để vừa có thể đảm bảo quyền lợi học tập, công tác, vừa thúc đẩy thế hệ trẻ phát triển năng lực qua các dự án thực tế.
Nếu có thể có được một chính sách khuyến khích phù hợp với những ngành đặc thù như y tế thì tôi tin rằng thế hệ thanh niên sẽ ngày càng mạnh dạn tiên phong trong tất cả xu hướng, và sẽ trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.
Nguyễn Đình Nguyên (Giám đốc Công ty CP công nghệ Doccen)
Xây dựng môi trường số an toàn và tin cậy
Trong nhiều năm qua, các cấp bộ Đoàn - Hội trên địa bàn Q.3 (TP.HCM) đã chủ động tổ chức các hoạt động xây dựng thanh niên số, tuyên truyền bảo vệ an toàn không gian mạng, trải nghiệm công nghệ số và tiếp cận các dịch vụ số an toàn, miễn phí.
Tuy nhiên, với vai trò là một cán bộ Đoàn, một trong những trăn trở nhất của tôi là việc đảm bảo rằng các chương trình, hoạt động CĐS được thiết kế và triển khai một cách hiệu quả nhằm đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của thanh niên. Điều này đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng vào việc nghiên cứu, phân tích và hiểu biết sâu sắc về đối tượng mục tiêu, từ đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ số phù hợp và hấp dẫn.
Mong muốn của tôi không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các nền tảng và ứng dụng số, mà còn về sự tương tác cũng như kết nối trực tuyến của thanh niên. Việc phát triển các hoạt động trực tuyến không chỉ giúp tạo ra một môi trường kết nối tích cực, mà còn tạo điều kiện cho thanh niên thể hiện sự sáng tạo và phát triển kỹ năng cá nhân một cách tự do và linh hoạt.
Một vấn đề không kém phần quan trọng, là việc đảm bảo an toàn trực tuyến và bảo mật thông tin cá nhân của thanh niên. Tôi đề xuất cần tập trung vào việc xây dựng môi trường số an toàn và đáng tin cậy, nơi thanh niên có thể tham gia một cách tự tin và yên tâm.
Cuối cùng, không thể phủ nhận rằng việc đẩy mạnh CĐS trong hoạt động Đoàn - Hội là một hành trình đầy thách thức. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, sáng tạo, xung kích và sự tập trung vào mục tiêu chung, tôi tin rằng tổ chức Đoàn - Hội có thể tự tin vượt qua mọi trở ngại và đạt được những kết quả khả quan vì tương lai của thanh niên VN.
Bùi Duy Hưng (Phó bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN Q.3)
Để hạn chế bị lừa đảo qua mạng
Là người trẻ, chúng mình sẽ dễ tiếp cận và dễ thích ứng với công nghệ. Tuy nhiên, có một vấn đề khá nhức nhối hiện nay là mạng xã hội bị những người xấu lợi dụng lừa đảo thanh niên chưa có kinh nghiệm, lại muốn làm giàu nhanh. Nhiều bạn trẻ chưa có kỹ năng và kinh nghiệm nên đã mắc lừa.
Trước thực trạng này, mình mong Chính phủ cần tăng cường các giải pháp để làm sạch mạng xã hội; đồng thời có kênh thông tin trên mạng, cung cấp các kiến thức, kỹ năng và cách phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo để "phủ sóng" tới thanh niên, giúp các bạn tự bảo vệ bản thân. Chính phủ có thể mở một kênh thông tin chính thống, hấp dẫn giới trẻ, để cung cấp và kết nối việc làm cho thanh niên. Như vậy, thanh niên sẽ không bị lợi dụng bởi những trang tìm kiếm việc làm không được kiểm duyệt như hiện nay.
Nguyễn Khánh Hoàng (P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Bình luận (0)