Không ai bị bỏ lại ở phía sau
Bước vào năm 2023, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Ninh có những thời cơ, thuận lợi, đan xen với khó khăn, thách thức. Tuy vậy, với sự đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu tư công và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, đúng hướng, tỉnh đã đạt những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng năm 2023, GRDP tỉnh Quảng Ninh ước đạt gần 10%, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp ước tăng 4,19%; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%.
Tổng lượng khách du lịch ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% so cùng kỳ 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt 24.460 tỉ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ 2022.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 40.680 tỉ đồng, tăng 4% so cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 28.680 tỉ đồng, tăng 3% so cùng kỳ 2022, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 853 triệu USD; 9 tháng ước có 2.049 đơn vị thành lập mới, tăng 6,8% so cùng kỳ 2022.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời đã hoàn thành Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 và quy hoạch chung một số địa phương cấp huyện.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm, động lực.
Trong 9 tháng năm 2023, Quảng Ninh hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2020-2025. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và đồng thời hoàn thành trước 3 năm Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo không ngừng được cải thiện. Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.037 tỉ đồng, tăng 81% so cùng kỳ 2022.
Đặc biệt, Quảng Ninh cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh cho hơn 400 hộ gia đình với những ngôi nhà "đại đoàn kết" khang trang, chắc chắn, an toàn.
Đây là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Vận dụng "tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương" vào phát triển
Chia sẻ về những bước đi, cách làm của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, đã nhấn mạnh có được những thành quả trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm "tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương".
Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh. Trong đó có cả những yếu tố "thiên tạo" như: vịnh Hạ Long; vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố "nhân tạo", như: khu di tích Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử văn hóa; thương cảng Vân Đồn; ngoài ra còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của vùng mỏ anh hùng, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây chính là những lợi thế so sánh riêng có mà tư duy lãnh đạo các thế hệ của Quảng Ninh đã nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để biến tiềm năng thành động năng, chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho phát triển.
Công cuộc đổi mới của Quảng Ninh là quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh xác định phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Trong đó tập trung vào mô hình tăng trưởng xanh, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển, gắn chặt với thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, bước ngoặt của địa phương này là từ năm 2012, khi đó Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng quy hoạch chiến lược, cũng là địa phương hiếm hoi huy động được hàng trăm tỉ đồng vốn xã hội hóa để xây dựng quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đó thể hiện sự táo bạo, đột phá một cách khoa học khi mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đến Quảng Ninh nghiên cứu, lập quy hoạch. Đó là các hãng tư vấn tên tuổi như: McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản).
Đến năm 2014 Quảng Ninh công bố công khai 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Ký, trong thời gian tới Quảng Ninh xác định 4 quan điểm, định hướng lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 15 đề án, chương trình trọng điểm… Cùng với đó, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, chủ động hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường với khát vọng đổi mới, sáng tạo, phát triển.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bình luận (0)