Xây dựng Ninh Bình thành đô thị di sản ngang tầm thế giới

28/05/2024 13:41 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm "biến không thành có, biến khó thành dễ" để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đưa Ninh Bình trở thành thành phố văn minh, hiện đại

Sáng 28.5, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tham dự hội nghị.

Xây dựng Ninh Bình thành đô thị di sản ngang tầm thế giới- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) trao quyết định quy hoạch tỉnh Ninh Bình cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình

MINH HẢI

Theo quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2050 Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; là một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức "0" của Việt Nam.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết quan điểm trong quy hoạch của tỉnh này là kiên định theo hướng "xanh, bền vững và hài hòa"; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; coi trọng phát triển văn hóa; tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế.

"Quy hoạch xác định ba nền tảng, bốn trụ cột phát triển kinh tế và 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, ba nền tảng là giá trị về văn hóa, con người, thiên nhiên; hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng dịch vụ, hạ tầng đô thị; và thể chế quản trị địa phương.

Bốn trụ cột là phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn; phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; và phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

Đối với 7 nhiệm vụ trọng tâm, thì trong đó đột phá là phát triển công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại; phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di sản cố đô Hoa Lư và di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An..." ông Ngọc cho hay.

Cũng theo ông Ngọc, trong phát triển hạ tầng giao thông, ngoài hệ thống các tuyến đường bộ, đường thủy, trong quy hoạch tỉnh Ninh Bình cũng đã dự trữ quỹ đất để bố trí quy hoạch 2 sân bay chuyên dùng.

Tiếp tục phát huy kinh nghiệm "biến không thành có"

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những kết quả, điểm sáng mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được, dù đây là một tỉnh có diện tích nhỏ.

Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng với khát vọng, ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình trong triển khai quy hoạch tỉnh, đã thể hiện được tầm nhìn phát triển Ninh Bình trong tương lai.

Xây dựng Ninh Bình thành đô thị di sản ngang tầm thế giới- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Bình

MINH HẢI

"Quy hoạch có vai trò dẫn dắt và định hướng giúp phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững. Điểm yếu của chúng ta là có di sản, có tài nguyên, nhưng chưa biết cách phát huy nó, chưa có cơ chế để phát huy nó. Tôi thấy như cố đô Hoa Lư có ai có không, chỉ có Ninh Bình có, đấy là khác biệt; rừng Cúc Phương có ai có đâu, chỉ có Ninh Bình có thôi, đó là khác biệt, nhưng chúng ta chưa có cơ chế, chính sách để khai thác nó", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong triển khai các công việc cụ thể của quy hoạch tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu địa phương này cần làm việc gì ra việc đó, đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, và đã thực hiện thì phải ra sản phẩm cụ thể, cân đo đong đếm được.

"Nên làm từng việc một chứ không phải quy hoạch rất là đồ sộ như thế rồi cái gì cũng muốn làm, trong khi nguồn lực thì ít, nên phải xác định được trọng tâm, trọng điểm. Muốn làm được thì tư tưởng phải thông, phải quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm phải có trọng tâm trọng điểm chứ không dàn trải.

Cần phải đặt con người là trung tâm làm chủ thể để thực hiện những quy hoạch, không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Đây là cái xuyên suốt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước chúng ta. Đồng thời, phải tìm kiếm các nguồn lực, thay đổi tư duy sáng tạo", Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng cũng lưu ý, thế mạnh của tỉnh Ninh Bình là vị trí kết nối rất quan trọng giữa 3 vùng  bằng sông Hồng, tây bắc qua tỉnh Hòa Bình, và duyên hải bắc Trung bộ qua tỉnh Thanh Hóa; là 1 trong 8 tỉnh, thành phố có di sản thế giới, địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên. Do đó, cần phải tiếp tục phát huy được kinh nghiệm "biến không thành có, biến khó thành dễ" như đã xây dựng và làm nên di sản thế giới Tràng An. 

Thủ tướng tin tưởng rằng tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy, vươn lên mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng của các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.