Xây dựng nơi tôn vinh chữ Quốc ngữ

Hữu Trà
Hữu Trà
18/08/2019 05:43 GMT+7

UBND TX.Điện Bàn (Quảng Nam) đang đầu tư xây dựng Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm nhằm phục dựng mô hình dinh trấn dưới thời chúa Nguyễn và dành khu vực trang trọng để tôn vinh chữ Quốc ngữ.

Tôn vinh người có công

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho hay ý tưởng đầu tư xây dựng Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm hình thành từ năm 2016. Vai trò quan trọng của Dinh trấn Thanh Chiêm trong quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam cũng như những đóng góp to lớn của Dinh trấn Thanh Chiêm trong việc hình thành chữ Quốc ngữ đã được lịch sử ghi nhận. “Để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm, UBND TX.Điện Bàn quyết định phê duyệt đầu tư hơn 40 tỉ đồng để xây dựng công viên di tích”, ông Hà nói về lý do chọn địa điểm xây dựng cũng như nguồn kinh phí lớn phục dựng mô hình dinh trấn, vốn dĩ được các chúa Nguyễn xây dựng tại Quảng Nam từ những năm 1602.
Mô hình Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ được phục dựng tại Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm ẢNH: H.N

Mô hình Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ được phục dựng tại Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm

ẢNH: H.N

Trong quy hoạch tổng mặt bằng của công viên, có nhiều hạng mục đầu tư như nhà trưng bày các hiện vật về Dinh trấn Thanh Chiêm, nhà trưng bày các hiện vật về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ, một số phù điêu. Đặc biệt là việc xây dựng tượng đài tôn vinh chữ Quốc ngữ. “Chúng tôi mới chỉ phác thảo tượng đài tôn vinh chữ Quốc ngữ trong quy hoạch tổng thể, cũng chưa chốt phương án và đang tham khảo ý tưởng của các kiến trúc sư. Sau đó, sẽ mở cuộc thi để chọn ra biểu tượng độc đáo, mang nhiều ý nghĩa nhất”, ông Hà nói thêm.
Dù công viên có nhiều hạng mục đầu tư, nhưng “khó nhằn” nhất chính là không gian dành cho Dinh trấn Thanh Chiêm và không gian tôn vinh chữ Quốc ngữ. Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ phục dựng theo đúng kiến trúc dinh trấn xưa, kể cả tường thành, mái dinh… Còn không gian tôn vinh chữ Quốc ngữ là nơi tái hiện lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ từ khi các giáo sĩ Dòng Tên đến Quảng Nam truyền đạo và đã nghiên cứu phôi thai chữ Quốc ngữ. Vì chữ Quốc ngữ không thể tách rời khỏi dinh trấn này, trong bối cảnh các chúa Nguyễn và các vị tổng trấn Quảng Nam lúc bấy giờ ủng hộ việc truyền đạo của các giáo sĩ. Do đó, trong không gian của Dinh trấn Thanh Chiêm và không gian tôn vinh chữ Quốc ngữ sẽ đặt tượng của những người có công khai phá vùng đất Quảng Nam, lập dinh trấn và những người có công hình thành, truyền bá, sử dụng rộng rãi chữ Quốc ngữ

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TX.Điện Bàn cho biết UBND TX.Điện Bàn đã quyết định đầu tư xây dựng Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm (giai đoạn 1) với kinh phí 8,8 tỉ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp, làm hệ thống thoát nước, làm đường nội bộ trên diện tích gần 1,2 ha. Kinh phí để hoàn thành dự án (giai đoạn 2) cần hơn 33 tỉ đồng, đây là khoản tiền khá lớn trong khi ngân sách đang gặp khó.
UBND TX.Điện Bàn mới đây đã tiếp đón các giáo sư, kiến trúc sư của Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ và tiếng Việt (ĐH Duy Tân), trong đó có GS Nguyễn Đăng Hưng (Viện trưởng). Đoàn muốn tìm kiếm một vị trí phù hợp ở xã Điện Phương để xây dựng nơi tôn vinh chữ Quốc ngữ. Khi được giới thiệu về Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm, GS Nguyễn Đăng Hưng cùng đoàn đã thống nhất phối hợp với UBND TX.Điện Bàn đầu tư xây dựng nơi tôn vinh chữ Quốc ngữ trong công viên này cho xứng tầm.
Ban cổ động thành lập Quỹ tôn vinh chữ Quốc ngữ (do GS Nguyễn Đăng Hưng làm trưởng ban) cho biết sẽ huy động kinh phí trong và ngoài nước, nhằm xã hội hóa đầu tư Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hà, chính quyền UBND TX.Điện Bàn xét thấy nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2 cho dự án này quá lớn nên cũng quyết định kêu gọi đầu tư theo hình thức công tư hoặc xã hội hóa hoàn toàn để giảm chi ngân sách.
Lịch sử ghi nhận Dinh trấn Thanh Chiêm (nằm ở làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, TX.Điện Bàn) ra đời gắn với việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ Quảng Nam năm 1602.
Theo Quảng Nam trong hành trình mở cõi của tác giả Nguyễn Q.Thắng, người dân lúc bấy giờ thường gọi dinh quan trấn thủ ở làng Thanh Chiêm hay Dinh trấn Thanh Chiêm bằng hai chữ: Dinh Chiêm; nên sau này giáo sĩ A.de Rhodes phiên âm và viết theo lối chữ Quốc ngữ thời ấy là Dinh Ciam.
Hiện tại người dân ở Điện Phương vẫn còn nhớ nhiều địa danh như dinh thự (hành cung), thành Vệ, chợ Củi, kho muối, tàu tượng, mô súng, nhà lao, vọng khuyết, gò Sài, Văn Miếu…
Không chỉ quán xuyến hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, Dinh trấn Thanh Chiêm còn là nơi điều hành hoạt động của Tuần ty và quan Thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.