Xây dựng pháp lý bảo trợ cho phóng viên trong tác nghiệp

Thu Hằng
Thu Hằng
19/09/2021 06:44 GMT+7

Đó là kiến nghị của ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam , tại buổi tọa đàm trực tuyến “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19”.

Tọa đàm do Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 18.9.
Theo ông Hồ Quang Lợi, đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã và đang gây ra những tổn thất rất nặng nề đối với nhiều địa phương trên cả nước. Cũng như lực lượng y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí là những người trong tuyến đầu chống dịch.
Ông Lợi chia sẻ: “Các nhà báo phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn, nhưng báo chí, giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất. Qua đó, thấy được vị trí, vai trò to lớn của báo chí truyền thông trong đại dịch Covid-19”.
Vấn đề bảo vệ an toàn cho các nhà báo khi tác nghiệp trong đại dịch Covid-19 cũng được nhiều đại diện cơ quan báo chí nêu lên tại buổi tọa đàm. Nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết: “Bên cạnh những khó khăn liên quan đến kinh tế báo chí, vấn đề tương tác với bạn đọc bị hạn chế rất lớn; thách thức lớn nhất là sự an toàn của lực lượng lao động, phóng viên, biên tập viên, lực lượng công nhân in, đặc biệt là đội ngũ phóng viên. Trước khó khăn đó, Báo Thanh Niên đã đưa ra giải pháp kết nối cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng địa phương thông tin về dịch bệnh, quản lý an toàn cho phóng viên tác nghiệp, sử dụng công nghệ kết nối làm báo in trực tuyến mà không phải tập trung đến tòa soạn…”.
Để bảo vệ an toàn cho các nhà báo tham gia chống dịch, nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Tổng biên tập Báo Quảng Ninh, kiến nghị chính sách dành cho cơ quan báo chí và phóng viên khi tác nghiệp tại tuyến đầu; đồng thời các cơ quan chủ quản đặt hàng cơ quan báo chí, các cơ quan báo chí cũng cần phối hợp với nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Đề xuất một số kiến nghị để báo chí vượt qua khó khăn, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19, ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, nhấn mạnh: “Cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của nhà nước với cơ quan báo chí về giảm thuế VAT, miễn thuế thu nhập cá nhân, cho phép trích quỹ phát triển sự nghiệp bổ sung thu nhập, tăng cường cơ chế nhà nước đặt hàng… Chỉ cần nhà nước có cơ chế chính sách, cơ quan báo chí sẽ thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình, để dành nguồn lực cho công tác chuyên môn”.
Theo ông Dũng, Hội Nhà báo Việt Nam nên triển khai phần mềm ứng dụng có bản quyền để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho các cơ quan báo chí. Trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, có kế hoạch chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, thích ứng với tình hình mới. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Y tế nên tổ chức tuyên dương khen thưởng kịp thời các hội viên, nhà báo có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch; khích lệ và nhân rộng tấm gương dấn thân của các nhà báo trong dịch bệnh.
Nhằm kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo ngày đêm dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, ông Hồ Quang Lợi cho biết Hội Nhà báo Việt Nam sẽ kiến nghị xây dựng pháp lý bảo trợ cho phóng viên, nhà báo trong tác nghiệp; đồng thời xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đạo đức nghề cho đội ngũ nhà báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.