Xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế ở Thủ Thiêm

Trung Hiếu
Trung Hiếu
06/04/2019 12:00 GMT+7

TP.HCM muốn thành lập trung tâm tài chính quy mô quốc tế ở Khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2) để thu hút dòng tài chính của thế giới đầu tư vào TP.

Sáng nay 6.4, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào. Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trí, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong... cùng với sự tham dự của nhiều lãnh đạo sở ngành và khoảng 50 trí thức, doanh nhân kiều bào tham dự.
Trước khi vào hội nghị chính, các trí thức, doanh nhân Việt kiều tham dự 3 cuộc gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM với các chủ đề giáo dục, đô thị và tài chính.
Tại phiên thảo luận về tài chính, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết những năm qua kinh tế của TP.HCM tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, quá trình phát triển của thành phố có phần chững lại do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về hạ tầng. “Cho nên sắp tới TP.HCM sẽ tính toán đầu tư cho hạ tầng công nghiệp và dịch vụ. Cuộc gặp này để xin ý kiến làm sao để xây dựng TP.HCM tương lai trở thành trung tâm tài chính quốc tế”, ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong (phải) chủ trì phiên thảo luận về tài chính Ảnh: Ngọc Dương

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho hay xương sống của TP.HCM chính là tài chính. Cho nên TP.HCM muốn xây dựng trung tâm tài chính, kinh tế ở Thủ Thiêm là chính xác. Tuy nhiên cái khó hiện TP.HCM chưa có cách tháo gỡ, giải quyết những vấn đề liên quan.

Về việc xây dựng trung tâm tài chính quy mô quốc tế, ông Peter Hồng hiến kế TP.HCM phải tiếp cận, thu hút nguồn lực nhân sự của các tập đoàn tài chính lớn cũng như có có chế, chính sách tạo sự phát triển bình đẳng giữa các doanh nghiệp liên quan đến tài chính.

Kiều bào có nhiều cơ hội đóng góp cho TP.HCM nhiều lắm. Kiều bào có nhiều người giỏi, có người nước ngoài trả lương đến 1,8 triệu USD/năm. Vấn đề là phải làm sao tạo cơ chế để thu hút người giỏi về”, ông Peter Hồng nói.

Ông Peter Hồng đề nghị cần thành lập quỹ tài chính kiều bào, và cam kết nếu chính sách thuận lợi trong vòng 3 năm quỹ này sẽ thu hút 3 tỉ USD về đầu tư, xây dựng TP.HCM. “Vấn đề lớn nhất ở đây chính là cơ chế, chính sách. Nếu có cơ chế tốt, tôi nghĩ chắc chắn TP.HCM sẽ xây dựng được trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế”, ông Peter Hồng khẳng định.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, kể lại câu chuyện cách đây mấy năm ông có đưa một số tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ đang quản lý dòng tài chính lên đến 3.000 tỉ USD vào đầu tư ở TP.HCM.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay từng đưa các tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ với mục đích xây dựng trung tâm tài chính ở TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương

Ban đầu các nhà đầu tư này dự kiến đầu tư khoảng 4 - 5 tỉ USD để thu hút dòng vốn khoảng 50 tỉ USD vào để phát triển TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là các tập đoàn tài chính của Mỹ dự tính xây dựng trung tâm tài chính quy mô quốc tế ở Q.2, và đã xúc tiến tiếp xúc lãnh đạo TP.HCM cũng như lãnh đạo bộ ngành Trung ương. Tuy nhiên sau đó chính sách của TP.HCM thay đổi nên dự án không thành công.

“Việt kiều không có nhiều tiền nhưng chắt chiu đầu tư cho Việt Nam họ sẽ có. Dòng kiều hối gần 16 tỉ USD đổ về Việt Nam năm qua đã chứng minh điều đó”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói và đồng tình với đề xuất thành lập quỹ tài chính kiều bào với sự tham dự của Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán để huy động dòng tiền kiều bào đầu tư về Việt Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng cho biết thêm nếu lãnh đạo TP.HCM muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM, thì nên tìm đến và kêu gọi những tập đoàn của Mỹ nói trên.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên thảo luận về "Xây dựng khu đô thị sáng tạo" Ảnh: Ngọc Dương

Ở phiên thảo luận chủ đề “Xây dựng khu đô thị sáng tạo”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM đã chọn ra một khu vực gồm quận 2, 9, Thủ Đức để xây dựng khu đô thị sáng tạo, sản phẩm là tri thức mới, ứng dụng những cái mới, là những người có năng lực trí tuệ cao nhất, từ đó lan tỏa ra 10 triệu dân của TP.HCM.

“Làm thế nào để thu hút người giỏi nhất đến giảng dạy, nghiên cứu, làm thế nào để họ tương tác với nhau không chỉ qua mạng, nảy sinh ý tưởng mới. Môi trường sống tốt nhất cho họ… để làm được điều đó, phương thức quản lý như thế nào?”, ông Nhân gợi ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.