Xây dựng Vành đai 3 TP.HCM rất cấp bách

20/05/2022 06:54 GMT+7

Sáng qua (19.5), ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, đã chủ trì đoàn khảo sát thực tế tuyến Vành đai 3 TP.HCM.

Chuyến khảo sát nhằm giúp các đại biểu có những thông tin, sở cứ để báo cáo trình Quốc hội thông qua dự án trong kỳ họp tới.

Địa phương sẵn sàng

Xuất phát từ TP.HCM, đoàn tiến hành kiểm tra, khảo sát toàn tuyến, qua các nút giao quan trọng gồm nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (địa phận tỉnh Long An); nút giao Bình Chuẩn (Bình Dương) và nút giao Tân Vạn (tỉnh Đồng Nai).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, cho biết từ đây đến ngày 23.5, TP.HCM cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục giải trình, bổ sung các nội dung liên quan dự án. Song song, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị trước công tác triển khai ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương như thống kê khảo sát, chuẩn bị cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), tiếp tục rà soát thống kê các mỏ vật liệu đảm bảo cho công trình…

Đoàn công tác khảo sát tuyến Vành đai 3 TP.HCM

H.Mai

Đại diện UBND tỉnh Long An cho biết tổng diện tích GPMB để thực hiện đoạn 6 km đường Vành đai 3 đi qua tỉnh Long An là khoảng 50 ha. HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bố trí ngân sách đảm bảo 25% vốn GPMB cho dự án, 75% còn lại do ngân sách T.Ư hỗ trợ. Trường hợp dự án có tăng vốn, địa phương cũng cam kết cố gắng bố trí vốn để thực hiện dự án. “Hiện tỉnh đã quy hoạch hoàn chỉnh các khu đô thị và khu công nghiệp dọc tuyến Vành đai 3 và kêu gọi xúc tiến đầu tư. Đồng thời bố trí khu đất 20 ha đền bù cho người dân bị ảnh hưởng, tái định cư ngay tại thị trấn Bến Lức. Hiện bà con rất quan tâm và nóng lòng muốn sớm làm dự án này để tạo điều kiện phát triển kinh tế - phục vụ đời sống người dân”, đại diện tỉnh Long An nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin sau buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước đó, TP.HCM và các tỉnh đã thống nhất, hoàn thiện chi tiết và sẽ hoàn thành hồ sơ dự án trong tuần này để thông qua Bộ Kế hoạch - Đầu tư, gửi Chính phủ để kịp trình Quốc hội vào ngày 28.5. Hiện nay các địa phương đều có nghị quyết từ HĐND đảm bảo vốn đầu tư của dự án nên không lo ngại việc bố trí vốn. Cả 4 tỉnh, TP đều thống nhất phương án phát hành trái phiếu. TP.HCM sẽ chia sẻ kinh nghiệm cùng các địa phương để thực hiện phát hành trái phiếu, đảm bảo kế hoạch vốn sẽ hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Với vai trò đầu mối, TP.HCM đã làm việc với các tỉnh để thống nhất kế hoạch tổng thể, cách làm, tiến độ sao cho đồng bộ. Đồng thời hoàn thành kế hoạch GPMB trên địa bàn TP. Sau khi Quốc hội thông qua, Bí thư Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị, tập trung cả hệ thống chính trị, phấn đấu tới cuối 2023 có mặt bằng để khởi công dự án.

Ông PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TP.HCM

“Khó nhất hiện nay vẫn là vấn đề GPMB. Với vai trò đầu mối, TP.HCM đã làm việc với các tỉnh để thống nhất kế hoạch tổng thể, cách làm, tiến độ sao cho đồng bộ. Đồng thời hoàn thành kế hoạch GPMB trên địa bàn TP. Sau khi Quốc hội thông qua, Bí thư Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị, tập trung cả hệ thống chính trị, phấn đấu tới cuối 2023 có mặt bằng để khởi công dự án”, ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Trong 4 địa phương, TP.HCM là đơn vị phải nỗ lực nhiều nhất. TP dự kiến sẽ thành lập Ban chỉ huy, Hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia lĩnh vực giao thông, cầu đường để tư vấn hoàn tất xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch chuyên đề, giữ vai trò điều phối trong toàn bộ quá trình thi công cho tới khi hoàn công, nghiệm thu toàn dự án.

Phải làm sớm nhất có thể

Qua chuyến khảo sát dù rất ngắn, ông Vũ Hồng Thanh cho biết ông cảm nhận sự quyết liệt rất lớn của các địa phương cũng như ý chí, nguyện vọng của người dân. Các địa phương cũng đã có cam kết trong thời gian tới sẽ có phiên họp HĐND bất thường, kể cả vốn điều chỉnh tăng thêm để đáp ứng yêu cầu cấp bách của dự án.

“Phải đi khảo sát rồi mới thấy việc xây dựng tuyến Vành đai 3 cũng như các tuyến cao tốc phía nam là hết sức cần thiết và cấp bách. Chuyến đi hôm nay dù có lực lượng công an dẫn đường nhưng vẫn tốn nhiều thời gian. Nhiều đoạn đường kẹt dài. Trong đoàn, nhiều ý kiến cho rằng nếu tuyến Vành đai 3 của TP mà được đầu tư sớm hơn nữa thì đã có thể phát huy được hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Do đó, phải có các giải pháp kỹ thuật để xử lý, làm rõ các vấn đề để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện dự án sớm nhất có thể”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề công tác GPMB, kinh phí hỗ trợ bồi thường tái định cư của Vành đai 3 TP.HCM lớn hơn rất nhiều so với Vành đai 4 Hà Nội (2 dự án Vành đai cùng dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới) dù quy mô GPMB và số hộ dân bị ảnh hưởng ít hơn rất nhiều. Trong 5 tuyến cao tốc cũng dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đây là dự án phức tạp nhất trong công tác di dời, bố trí tái định cư do đa số dọc tuyến đã hình thành đô thị. Vì thế, TP.HCM làm rõ vai trò đầu mối thực hiện, chỉ rõ sự phối hợp, sự tham gia của các địa phương trong cả quá trình thi công, kết nối và thực hiện các dự án thành phần. Các địa phương phải hoàn thành tổng thể đồng bộ, khép kín toàn tuyến thì mới phát huy hết tác dụng của tuyến Vành đai 3.

Metro Nhổn - ga Hà Nội lại xin đội vốn, lùi tiến độ tới 2027

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa có văn bản báo cáo UBND TP.Hà Nội và Sở KH-ĐT Hà Nội xem xét, báo cáo Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Theo MRB, đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 74,36% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%). Tuy nhiên, việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là nguyên nhân chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Hiện 177 hộ dân tại khu depot và đường dẫn vào depot dự án vẫn khiếu nại các chính sách bồi thường, hỗ trợ. Bên cạnh đó, có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 - 6 năm so với kế hoạch. Đặc biệt, có 50 tòa nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, song quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân này rất khó khăn bởi chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật của VN.

Cũng theo MRB, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói) chưa được xử lý triệt để. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm chậm trễ việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí. Do đó, có tới 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Tổng mức đầu tư cần được điều chỉnh tăng khoảng 4.905 tỉ đồng, lên 34.532 tỉ đồng.

Ngoài ra, MRB Hà Nội cũng đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009 - 2022 thành 2009 - 2029, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029. Trước đó, cuối năm 2020, dự án được cho lùi tiến độ hoàn thành 8,5 km trên cao vào cuối năm 2022 và toàn tuyến năm 2025.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.