Ế ẩm triền miên
Cuối năm 2018, dự án chợ Bình Hương được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với tổng mức kinh phí hơn 147 tỉ đồng, do Hợp tác xã chợ Bình Hương làm chủ, được chính thức khởi công. Chợ xây dựng trên diện tích rộng 2,1 ha ở xã Thạch Trung (TP.Hà Tĩnh), được thiết kế với 2 khu chính, gồm: chợ truyền thống và chợ đầu mối nông sản.
Chợ Bình Hương có quy mô lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các tiểu thương kinh doanh buôn bán ở chợ cũ của xã Thạch Trung đã xập xệ do xuống cấp, đồng thời giúp phát triển hoạt động thương mại trên địa bàn TP.Hà Tĩnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh chợ đầu mối nông sản ở Hà Tĩnh hiện chưa có, lâu nay các tiểu thương tập kết hàng hóa bên lề đường tại khu vực chợ TP.Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông, nên chợ Bình Hương được xây dựng còn để khắc phục tồn tại này.
Đến tháng 4.2019, khu chợ truyền thống với hơn 200 ki ốt và 1 đình chợ rộng khoảng hơn 1.000 m2 hoàn thành đưa vào hoạt động. Toàn bộ tiểu thương ở chợ cũ xã Thạch Trung chuyển vào buôn bán tại đây và được chủ đầu tư miễn phí tiền thuê mặt bằng kinh doanh trong năm đầu tiên. Chủ đầu tư chợ Bình Hương sau đó cũng đã mở bán các ki ốt, kêu gọi các tiểu thương trên địa bàn TP.Hà Tĩnh vào chợ buôn bán.
Tuy vậy, theo phản ánh của các tiểu thương, mặc dù đã hơn 2 năm đi vào hoạt động, chợ Bình Hương mới chỉ có khoảng hơn 100 tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là người ở xã Thạch Trung. Việc kinh doanh, buôn bán mới chỉ diễn ra ở khu vực đình chợ, còn lại hầu như toàn bộ ki ốt của chợ vẫn “cửa đóng then cài”. Chợ vắng khách nên việc kinh doanh, buôn bán luôn ế ẩm khiến tiểu thương chỉ còn biết than trời.
Anh Trần Danh Quảng, một tiểu thương đang kinh doanh tại chợ, cho biết đầu năm 2019, vợ chồng anh bỏ ra 750 triệu đồng mua 1 ki ốt trong chợ để mở cửa hàng bán đồ mỹ phẩm. Thế nhưng, kể từ ngày vào chợ này buôn bán, khách thưa thớt khiến hàng ế ẩm nặng nề.
“Trước giờ chỉ có người thân hoặc bạn bè tìm đến đây mua hàng, còn lại vợ chồng tôi bán qua mạng là chủ yếu. Chợ vắng khách mua là do các xã cũng đều đã có chợ hết rồi. Vì lý do này mà những người đã mua ki ốt kinh doanh vẫn chưa mở cửa hoạt động, thậm chí có một số đang rao bán lại các ki ốt đã mua”, anh Quảng nói.
Do không dẹp được chợ cóc?
Ông Tạ Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã chợ Bình Hương, cho rằng nguyên nhân khiến chợ đến nay chưa đi vào hoạt động ổn định là do UBND TP.Hà Tĩnh chưa dẹp bỏ được tình trạng tiểu thương tập kết buôn bán nông sản ở khu vực chợ thành phố và một số chợ cóc lân cận. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương tại chợ Bình Hương.
Hợp tác xã chợ Bình Hương do vậy cũng phải tạm dừng triển khai xây dựng khu chợ đầu mối nông sản. “Hiện chợ có 210 ki ốt nhưng chúng tôi cũng mới chỉ bán được một nửa. Chúng tôi trước giờ chưa thu tiền thuê mặt bằng của các tiểu thương mà mới chỉ thu phí môi trường và phòng chống cháy nổ. Bỏ ra một lượng tiền lớn để đầu tư như vậy nhưng cho đến hiện tại, việc thu chi chưa đủ trả tiền thuê bảo vệ và cán bộ quản lý chợ”, ông Đức than thở.
Ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP.Hà Tĩnh, cho hay hiện nay do mật độ dân cư tại khu vực chợ Bình Hương còn thưa thớt nên nhu cầu mua bán, giao thương của người dân tại chợ chưa cao. Sắp tới có một số nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị tại xã Thạch Trung sẽ khiến mật độ dân cư tăng lên nên chợ sẽ hoạt động thuận lợi hơn.
“Thành phố đang có kế hoạch phát triển các khu thương mại dịch vụ và khu logistics nên sẽ cấm các chợ cóc tự phát. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ có các giải pháp tuyên truyền, vận động tiểu thương và người dân đến chợ Bình Hương. Còn phía chủ đầu tư cũng cần có các chính sách phù hợp, tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh để thu hút tiểu thương và người dân”, ông Hưng nói.
Bình luận (0)