Đây là những hình ảnh mà ống kính phóng viên Báo Thanh Niên đã ghi lại về sự xuất hiện nhan nhản của xe ba gác, xe hết đát chở hàng cồng kềnh trên đường phố TP.HCM. Loại xe mà nhiều người còn ví von như những "hung thần xa lộ".
Xe ba gác chở hàng cồng kềnh vẫn tung hoành: Vì sao thường bỏ luôn xe khi bị phạt?
"Cõng" trên mình cả tạ sắt, thép hay những tấm tôn có kích thước lớn, những tấm ván chi chít đinh vít. Hàng hóa sắt nhọn được chất cao nhưng chằng néo thô sơ, che khuất tầm nhìn. Lái xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu… Không ít thì nhiều, nhiều người tham gia giao thông có thể đã từng nhìn thấy những hình ảnh na ná như vậy.
Xử lý hàng ngàn vi phạm
Từ đầu năm 2023, CSGT TP.HCM đã tổ chức kế hoạch chuyên đề xử lý xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, trong đó chủ yếu là xe ba bánh, xe thô sơ, xe máy chở hàng cồng kềnh.
Kết quả 10 tháng đầu năm, CSGT phát hiện gần 16.500 xe máy chở hàng quá khổ giới hạn, hơn 3.300 xe máy thiết bị kỹ thuật không bảo đảm an toàn. Riêng xe ba bánh, CSGT phát hiện hơn 2.000 xe ba bánh, trong đó 704 trường hợp chở hàng hóa quá khổ giới hạn.
Sau nhiều vụ tai nạn thương tâm do xe ba gác gây ra thì những hành động kiểu như: né, tránh, quay đầu, cách nhau càng xa càng tốt… là cách mà nhiều người lựa chọn mỗi khi thấy những chiếc xe như vậy trên đường.
Và khi bị lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm, xử phạt, những người chạy xe ba gác, xe hết đát chở hàng cồng kềnh cũng thường né, tránh "cần câu cơm" của mình khi đa số họ sẽ trình bày hoàn cảnh và sau đó bỏ luôn xe.
Muôn kiểu "chống chế" của tài xế chở hàng cồng kềnh: Biết nguy hiểm vẫn làm
Theo CSGT, đa số xe hết đát, xe 3 bánh đều bỏ luôn xe khi bị CSGT lập biên bản vì là xe hết đát, xe lắp ráp không có giấy tờ hợp lệ. Khi bị CSGT thổi phạt, người vi phạm cũng trình bày hoàn cảnh khó khăn, biết vi phạm, biết đó là mất an toàn giao thông nhưng vẫn chạy.
Reo rắc ám ảnh
Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho biết việc kiểm tra, xử phạt các xe 3 bánh chở hàng hóa không bảo đảm an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, nhiều người chở tôn, kính, sắt với các đầu sắt nhọn bất chấp việc lòi đầu lòi đuôi nguy hiểm lưu thông trên đường.
Không chỉ những người lái xe, người thuê cũng biết chở hàng hóa như vậy có nguy cơ gây tai nạn giao thông nhưng vẫn thuê vì rẻ.
Và thực tế đã để lại hậu quả là những vụ tai nạn khiến người đi đường "rùng mình", những người "chết oan" trên đường phố.
Theo vị CSGT, các trường hợp chở hàng cồng kềnh, đặc biệt là người lái xe 3 bánh khi bị CSGT thổi phạt đều trình bày hoàn cảnh khó khăn, năn nỉ CSGT bỏ qua. CSGT phải giải thích với người vi phạm rằng không phải hoàn cảnh khó khăn rồi có thể làm gì cũng được. Khi tham gia giao thông thì xe cộ phải có giấy tờ, chở hàng phải bảo đảm an toàn cho mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, CSGT cũng chia sẻ, vì những người chở hàng thuộc diện trên thường có hoàn cảnh khó khăn, lao động dưới nắng mưa kiếm công làm lời. Do đó, không ít lần CSGT nghe người dân nhận xét là "cứng nhắc" khi kiên quyết xử phạt xe chở hàng cồng kềnh.
Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng đến nay, những "hung thần" xe ba gác, những xe quá đát chở hàng cồng kềnh vẫn ngày đêm ngang nhiên tung hoành trên đường phố TP.HCM và gieo rắc nhiều nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông.
Bài: Vũ Phượng
Bình luận (0)