Xe cấp cứu tình nguyện - Kỳ 3: Vận động quyên góp cũng phải có... chỉ tiêu

26/04/2014 06:15 GMT+7

(TNO) Gần 10 năm chạy xe cấp cứu miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, tài xế góp công lái, người giỏi chuyện giấy tờ góp công dắt bệnh nhân đi, người có tiền sẵn sàng cho bệnh nhân lúc khổ. Ấy vậy mà không ít lần, những người đang gồng gánh đội xe cấp cứu miễn phí ở cơ sở từ thiện Bệnh viện huyện Châu Phú bị... từ chối.

(TNO) Gần 10 năm chạy xe cấp cứu miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, tài xế góp công lái, người giỏi chuyện giấy tờ góp công dắt bệnh nhân đi, người có tiền sẵn sàng cho bệnh nhân lúc khổ. Ấy vậy mà không ít lần, những người đang gồng gánh đội xe cấp cứu miễn phí ở cơ sở từ thiện Bệnh viện huyện Châu Phú bị... từ chối.

Xe cấp cứu miễn phí  1
Tất cả lúa mà cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú quyên góp được đều dựa trên sự
tự nguyện của bà con nông dân. Người làm trúng mùa cho nhiều, người mất mùa
có thể từ chối không cho. Lúa, tiền hay hiện vật mà đội vận động nhận được
đều có ghi biên lai để cơ sở thống kê và minh bạch chi tiêu

>> Xe cấp cứu tình nguyện - Kỳ 2: Dân góp lúa 'nuôi' xe cấp cứu
>> Xe cấp cứu tình nguyện - Kỳ 1: Chạy đua cùng bóng tử thần

Một buổi trưa, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Ròng (64 tuổi), nhà ở xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Chỉ vài tháng trước đó, vết sưng to khổng lồ của bà Ròng lên cơn đau nhức, bà được ông Lê Văn Nhanh gọi giùm xe cấp cứu miễn phí từ huyện chạy xuống đưa đi.

Bà nhớ lại: “Lúc đó cô đau nhiều lắm, cô ngồi không được, nhờ ông Bảy điện xe tới đây rước cô tới nhà, rồi có băng ca đẩy cô lên xe, đưa cô đi, ẵm cô vô phòng cấp cứu luôn. Lúc đó cô bị sốt ápxe hành cô mấy tháng trời không ăn uống, không ngồi nổi nữa”. Nhà quá nghèo, không có tiền đi cấp cứu nên lúc nằm bệnh, bà Ròng cũng nấn ná không đi khám, đến khi đau đớn quá, người quen thấy vậy gọi giùm xe miễn phí tới đưa đi. Chiếc xe miễn phí ngày hôm đó chở bà về Long Xuyên, cấp cứu kịp thời khiến bà thở lại được.

Xe cấp cứu miễn phí  2
Để xin được 12 bao lúa một ngày, một đội vận động phải đi ghe quần khắp các đồng
từ 6 giờ 30 sáng đến 17  giờ chiều. Những người tình nguyện này tự mang cơm vợ
nấu theo ăn, ghe cũng là một người có lòng hảo tâm cho mượn - Ảnh: Khải Đơn

Ông Phan Văn Đúng (67 tuổi), nhà ở gần Kênh 7, Vịnh Tre, mất đứa con trai Phan Văn Hiệp khi anh đang đi làm ở Bình Dương vào tháng 9.2013. Ông kể lại: “Tôi đang ở nhà thì người ta gọi điện nói con tôi bị tông xe, chở vào Chợ Rẫy rồi. Lúc đó vợ tôi ngất lên ngất xuống. Tôi lên Chợ Rẫy tìm xác con, rồi được xe từ thiện chở về, tiền bạc không tốn gì hết”. Chuyến đi cuối cùng của Hiệp về quê nhà đã được những tài xế từ thiện miễn phí đưa về tận nơi. Mẹ anh Hiệp, dì Lê Thị Quỳnh, nói như khóc: “Xe từ thiện chở không tốn tiền, thành ra mới chở về được, chứ mình không có tiền không biết làm sao...”. Bà Quỳnh vừa nói vừa rờ rẫm trên bức ảnh thờ của con trai.

Những trường hợp đau bệnh như bà Ròng ngày nào cũng có. Điện thoại của cơ sở từ thiện, số đường dây nóng ông Tư Chưa cầm lúc nào cũng réo gắt gỏng. Có người bị tai nạn giao thông cần đưa đi gấp, có người đột ngột bị tai biến cũng cầu cứu nức nở trong điện thoại. Có khi bệnh nhân ở xa tít tắp ngoài huyện như tận Đồng Tháp, mà nghe điện thoại, những người trực lại không đành từ chối dù không thông thuộc địa bàn. Họ lại lên đường đưa bệnh nhân đi.

Xe cấp cứu miễn phí  3
Ông Nguyễn Ngọc Bờ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú

Nhưng mùa lúa năm 2014 này, khi những chiếc ghe của cơ sở bắt đầu đi xin lúa trên những cánh đồng, thì trớ trêu thay, họ bị chính những cán bộ xã ở các xã lân cận nhắc nhở... đừng đi xin nữa.

Trao đổi với những người đi xin lúa từ thiện của cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú, ông Nguyễn Ngọc Bờ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang nói: “Mặc dầu mình (tức cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú - NV) được phép đi trong 13 xã nhưng các anh đi phải tới làm việc với xã, để người ta sắp xếp thời gian nào mình vận động được, thời gian nào người ta vận động được. Còn mấy ảnh không xuống làm việc với người ta, nhằm ngay lúc người ta đi vận động để đổ cát đường, thành ra giữa 2 nguồn vận động thì mấy ổng sẽ bị hụt, nên coi như mấy ổng mới ngăn, chứ theo chủ trương là huyện cho phép đi vận động 13 xã mà. Lẽ ra là đâu có ngăn chặn được”.

Ngày 30.3, khi đang được một chủ vựa lúa dành tặng 2 bao thóc từ vựa của mình, đội xin lúa của cơ sở từ thiện bị công an xã Bình Chánh, huyện Châu Phú... mời về đồn làm việc.

Tại đây, công an viên Trần Minh Bảo hỏi anh Phan Hòa Long và những người trong đội đi xin lúa: “Cái việc gì cũng phải có giới hạn. Cái gì làm cũng phải rõ nguyên nhân, mục đích, từ thiện như thế nào. Từ hổm rày, trong 3 ngày đó, nguồn tiền (xin được - NV) được bao nhiêu rồi? Từ trên đưa xuống, có chỉ tiêu không?". Khi phóng viên hỏi việc chạy xe cấp cứu giúp đỡ người nghèo diễn ra suốt cả năm dài, không tính chỉ tiêu gì, cơ sở từ thiện lại có giấy phép, tại sao lại bị cấm đi xin lòng hảo tâm tự nguyện của bà con, công an viên Trần Minh Bảo trả lời: "Cái gì đi làm cũng phải có chỉ tiêu! Ở trên đưa xuống cái giới hạn phải có. Biết nhiêu cho đủ? Các chú cứ đi vận động hoài, biết bao nhiêu cho đủ?".

Một lúc sau, Chủ tịch xã Bình Chánh, ông Võ Đức Minh xuất hiện. Khi chúng tôi hỏi, tại sao chỉ cho phép đội xin lúa chạy xe cấp cứu xin 3 ngày rồi buộc họ phải rời khỏi địa bàn. Ông Minh giải thích: “Hiện nay ở trên địa bàn chúng tôi cũng vận động rất nhiều nguồn quỹ để chăm lo cho bà con ở trong xã. Bữa hôm ông chú gì xuống là có giấy giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ của bệnh viện huyện để được đi quyên góp lúa. Chỗ nào cũng làm từ thiện, Hội Chữ thập đỏ huyện cũng làm từ thiện, ở đây chúng tôi cũng vận động để lo cho bà con nghèo.  Nhưng cái quan trọng là ở đây chúng tôi chăm lo cho trực tiếp người dân trên địa bàn chúng tôi. Cho nên chúng tôi chỉ cho 3 ngày thôi. Như vầy là mấy chú đang cố tình không chấp hành. Tụi tôi ở địa phương tụi tôi biết phải vận động nguồn quỹ này làm cái gì, mục đích làm gì. Cho nên chúng tôi cũng có cân đối nguồn rồi. Hiện nay lúa thì không có bao nhiêu, giá thì thấp, rồi mấy chú đi xin hết rồi các kế hoạch, các chương trình của tôi ở đây, mấy chú lại xin rồi, tụi tôi sao mà xin được nữa? Sao vận động bà con được nữa?”.

Xe cấp cứu miễn phí  4
Công an viên Trần Minh Bảo (xã Bình Chánh, huyện Châu Phú) đã buộc những
người vận động phải ngừng đi xin lúa vì... "cái gì đi làm cũng phải có chỉ tiêu!
Ở trên đưa xuống cái giới hạn phải có. Biết nhiêu cho đủ?
Các chú cứ đi vận động hoài, biết bao nhiêu cho đủ?" - Ảnh: Khải Đơn

Anh Nguyễn Văn Viên, Trưởng ban vận động cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú, cười buồn: “Nội đổ cho đủ tiền dầu xe cấp cứu chạy miễn phí, tụi tôi cần trung bình tới hơn 500 bao lúa/tháng. Tụi tôi đi xin, bà con biết tụi tôi làm gì nên tự nguyện cho. Giờ xã Bình Chánh cho xin 3 ngày, mỗi ngày đoàn chỉ xin được 12 bao, vậy xe cấp cứu không biết làm sao chạy?”.

Trong khi những cánh đồng vụ lúa đông xuân ở Châu Phú, An Giang đi vào rộ mùa thu hoạch và những người nông dân, chủ vựa lúa giàu lòng từ thiện vẫn góp thêm từng bao lúa cho chiếc ghe hỗ trợ cho đoàn xe cấp cứu miễn phí chạy không mỏi mệt trên các tuyến đường Châu Phú, Long Xuyên, Đồng Tháp, TP.HCM... thì những người đã 10 năm qua góp công tìm cách “nuôi” xe cứu người đã vấp phải câu hỏi: “mấy chú xin rồi, tụi tôi sao mà xin nữa?” của ông chủ tịch xã Bình Chánh và câu “Cái gì đi làm cũng phải có chỉ tiêu!” của anh công an xã.

Trong khi đó theo quyết định về "Ban hành quy chế tổ chức, hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trên địa bàn tỉnh An Giang" số 906/QĐ_UBND, ở chương 4, nói về Kinh phí hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí có ghi rõ:

Quỹ hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí được hình thành từ các nguồn:
a) Đóng góp của hội viên và người tình nguyện Chữ thập đỏ
b) Ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và sự tự nguyện của bệnh nhân
c) Các khoản sinh lời từ các dịch vụ đầu tư từ nguồn quỹ của Ban điều hành.
d) Các nguồn thu hợp pháp khác.

Khải Đơn

>> Xã hội hóa dịch vụ xe cấp cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.