Xe cứu thương gây tai nạn giao thông liên hoàn, trách nhiệm thuộc về ai?
03/04/2019 05:00 GMT+7
'Xe ưu tiên cũng phải đảm bảo an toàn giao thông, không để gây ra tai nạn giao thông, không thể cậy mình là xe ưu tiên để bất chấp tính mạng của người khác, của bệnh nhân và của chính mình'.
Tự động phát
Đó là ý kiến của đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT - Bộ Công an sau vụ việc xe cứu thương chở bệnh nhân chuyển viện vượt đèn đỏ, tông vào bên hông xe bán tải đang lưu thông. Xe bán tải lăn nhiều vòng, va vào xe du lịch đang lưu thông hướng ngược lại, đang gây xôn xao dư luận.
|
Theo đó, khoảng 15 giờ 30 ngày 1.4, tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tất Thành (TP.Bà Rịa, Bà Rịa -Vũng Tàu), một thanh niên (chưa rõ lai lịch) điều khiển xe cấp cứu BS 51B - 099.87 chở bệnh nhân chuyển viện đi TP.HCM, lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo.
Khi đến đường giao nhau với đường Nguyễn Tất Thành, xe cứu thương vượt đèn đỏ (có báo còi ưu tiên), thì đâm trực diện bên hông xe bán tải BS 72C - 052.22 lưu thông theo hướng Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi xã Hòa Long (TP.Bà Rịa). Vụ tai nạn khiến xe bán tải lăn nhiều vòng và trúng vào xe du lịch 4 chỗ BS 72A - 254.07 do anh Võ Đăng Cường (39 tuổi, ngụ H.Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển. Hậu quả, 3 ô tô bị hư hỏng nặng. Ít nhất 3 người trên xe cứu thương và xe bán tải bị thương.
Xe ưu tiên cũng phải đảm bảo an toàn giao thông
Trả lời PV Thanh Niên, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT - Bộ Công an, cho biết theo quy định Khoản c Điều 22 Luật Giao thông đường bộ về quyền ưu tiên của một số loại xe, thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào.
Đại tá Trần Sơn phân tích, xe cứu thương khi đang chở bệnh nhân đi cấp cứu có phát tín hiệu ưu tiên theo quy định được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới. Xe cấp cứu cũng không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Mọi người tham gia giao thông khi nghe, thấy tín hiệu của xe ưu tiên phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại để nhường đường, không được gây cản trở xe ưu tiên.
Tuy nhiên, đại tá Trần Sơn cho rằng xe ưu tiên cũng phải đảm bảo an toàn giao thông, không thể cậy mình là xe ưu tiên để bất chấp tính mạng của người khác, của bệnh nhân và của chính mình.
Luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng cho biết tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rõ xe cứu thương khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
“Tuy nhiên, khoản 5 điều 4 của luật cũng quy định nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác”, LS Nguyễn Thị Minh Trang nói.
Điều tra làm rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm các bên
Đại tá Trần Sơn nhấn mạnh riêng vụ việc này, Cơ quan CSĐT sẽ phối hợp với CSGT và cơ quan chức năng để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và lỗi của các bên liên quan, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
"Đặc biệt, người lái xe cứu thương cần nhận thức được sứ mệnh của mình là cứu người. Ngoài quyền được ưu tiên, người lái xe cứu thương phải có giấy phép lái xe hợp lệ, đảm bảo sức khỏe và có kinh nghiệm xử lý các tình huống giao thông trên đường, chấp hành các quy tắc giao thông khác", đại tá Trần Sơn nói.
Đối với việc dư luận thắc mắc có hay không xử lý tài xế xe ưu tiên khi gây tai nạn, đại tá Trần Sơn cho rằng mọi người bình đẳng trước pháp luật, qua điều tra, nếu lỗi của bên nào bên đó sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Căn cứ vào lỗi vi phạm và hậu quả tai nạn sẽ xem xét xử lí hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Thị Minh Trang, khi xử lý tai nạn giao thông, cơ quan chức năng phải xem xét trách nhiệm dân sự giữa các bên liên quan. Nếu vụ tai nạn có yếu tố vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự những người liên quan. Kết quả điều tra sẽ là căn cứ để truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan.
Bình luận (0)