Xe dù, bến cóc nhìn từ câu chuyện di chuyển bến xe Miền Đông

Mai Hà
Mai Hà
23/11/2022 16:47 GMT+7

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, bến xe Miền Đông (TP.HCM) quá xa trong khi các phương thức kết nối vận tải chưa kịp thời dẫn đến việc mất thời gian và chi phí đi lại của người dân.

Sáng 23.11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức toạ đàm giải pháp "xoá sổ" xe dù, bến cóc.

Toạ đàm Giải pháp xoá sổ xe dù bến cóc của Cổng Chính phủ

VGP

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, xe dù, bến cóc đang gây méo mó hoạt động vận tải, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và là nguyên nhân của ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân của ngành chức năng, tình trạng này tái diễn như nấm mọc sau mưa, việc xử lý không khác nào bắt cóc bỏ đĩa.

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có 18.344 xe chạy tuyến cố định và xe hợp đồng là 222.783 chiếc. Xe hợp đồng có số lượng gấp khoảng 12 lần xe chạy tuyến cố định. Khi các xe tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì dẫn đến cơ hội cho bến cóc xe dù nở rộ. Đồng thời, một bộ phận lớn người dân hiện giữ thói quen tiện đâu đi đó khiến tình trạng này thêm phần nghiêm trọng.

Dẫn ví dụ TP.HCM chuyển đổi vị trí bến xe Miền Đông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng vị trí bến xe mới quá xa. Bên cạnh đó, dù bến xe mới được xây dựng nhiều năm, nhưng vừa qua cơ quan chức năng mới chuyển dứt điểm các tuyến về bến mới.

Song theo lãnh đạo Cục Đường bộ, việc chuyển đổi này chưa hợp lý, do nhiều tuyến xe cố định khi được chuyển vị trí đón, trả khách đã thay đổi thói quen đi lại của hàng triệu người dân.

Chưa kể, việc tổ chức bến xe miền Đông cũ sang bến mới và các phương thức kết nối vận tải chưa kịp thời dẫn đến việc mất thời gian và chi phí đi lại của người dân.

Nhiều nhà xe muốn bỏ tuyến, chuyển sang chạy dù

Từ góc độ doanh nghiệp, theo Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng, cơ quan quản lý cần nhìn nhận việc xe đón khách tại nhà, xe đi ghép là "xe dù" theo hình thức vận tải tuyến cố định. Nguyên nhân là những xe này vẫn đi theo tuyến cố định nhưng lại không vào bến mà đón trả khách theo nhu cầu.

Loại hình này đang phát triển ngày càng cao, từ xe 9 chỗ đến xe giường nằm, từ địa bàn một tỉnh đến địa bàn nhiều tỉnh. Tình trạng trên đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông. Do cạnh tranh không bình đẳng nên nhiều tuyến cố định đã bị dừng do thua lỗ.

Theo thống kê của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm 35 - 40%, công suất của bến xe giảm 18 - 30%. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.

Bến xe Miền Đông mới chưa thu hút được hành khách và các hãng xe. Nhiều xe "mất tích" tại bến xe này, chuyển sang chạy xe dù, bến cóc

hà mai

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng địa phương cần quy hoạch bến xe, điểm đón trả khách tuyến cố định phù hợp với nhu cầu và thuận tiện cho người dân. Cũng dẫn ra câu chuyện của bến xe Miền Đông mới, ông Hùng cho rằng việc xây dựng bến xe mới không phải là bất cập.

“Bến xe Miền Đông mới rất cần thiết để phục vụ cho không gian phát triển mới của TP.HCM. Nhưng không nên triệt tiêu hoàn toàn điều kiện hạ tầng vận tải của bến xe Miền Đông cũ vốn đang phục vụ nhu cầu đi lại của hàng triệu người", ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Khuất Việt Hùng đề nghị cần quy định xe khách tuyến cố định phải gọi là xe buýt, điều này đã được nhiều quốc gia áp dụng. Khi đó, xe khách tuyến cố định sẽ được coi là loại hình vận tải công cộng. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ tạo lập chính sách và cơ chế ưu đãi sao cho chi phí rẻ hơn, thuận lợi hơn, khuyến khích người dân đi lại bằng loại hình vận tải này, đồng thời giúp giảm phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.