Ngày 15.5 - 2.9.2020, Sở GTVT TP.HCM triển khai Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM.
Khí thải xe máy - tác nhân gây ung thư
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thời gian qua , tình hình ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn các thành phố lớn nói riêng diễn biến phức tạp , nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng . Ô nhiễm không khí trong đô thị do nhiều nguồn gây ra như công nghiệp, giao thông thông vận tải, sinh hoạt ... Trong đó, hoạt động của các loại xe cơ giới nói chung và xe mô tô, xe gắn máy nói riêng là một trong những nguồn phát thải trực tiếp một số chất có ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của con người .
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản ở Đại học Kanazawa, so với khí thải ô tô , khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm hơn cho con người. Chúng có những thuộc tính gây đột biến gene và teratogen, phá hủy sự phát triển của phôi thai. Hidrocarbon trong khí thải xe máy gây đột biến gene cao hơn so với khí thải từ các loại động cơ khác, hủy hoại sự chuyển hóa testerosterone ở đàn ông và oestrogen ở phụ nữ. Do sự tác động như vậy mà đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt và phụ nữ bị ung thư các cơ quan sinh sản cũng như gây ra bệnh vô sinh.
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đảm bảo chất lượng khí thải theo quy định mới được tham gia giao thông; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định phương tiện giao thông cơ giới phải được cơ quan đăng kiểm xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được đưa vào sử dụng, tuy nhiên cả 2 Luật này đều chưa quy định rõ phải kiểm định khí thải định kỳ cho xe mô tô, xe gắn máy. Việc thiếu quy định pháp lý kiểm định khí thải định kỳ trong Luật dẫn đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật liên quan đến kiểm tra khí thải các loại phương tiện này vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành; quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải cũng chưa có.
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909 phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2013 triển khai Đề án tại Hà Nội, TP.HCM và giai đoạn 2013 - 2015 mở rộng phạm vi thực thực hiện Đề án đến các thành phố loại 1, loại 2. Song, cho đến nay đề án vẫn chưa được thực hiện do chưa có cơ sở pháp lý.
"Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy của TP.HCM đã kết thúc vào ngày 2.9.2020. Sở GTVT báo cáo kết quả thực hiện chương trình lên UBND TP để làm cơ sở đề xuất HĐND TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, mô tô đang lưu thông trên địa bàn. Cuối tháng 12.2020, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể, nên hiện nay TP.HCM đang tiếp tục chờ Bộ hướng dẫn để có cơ sở pháp lý chặt chẽ và đồng bộ trên toàn quốc.
|
Hơn 550 tỉ đồng kiểm soát khí thải đến 2030
Báo cáo kết quả chương trình thí điểm, ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Môi trường, Viện Khoa học và công nghệ GTVT (ITST) thông tin: Theo số liệu, tính đến tháng 9.2020, trên địa bàn TP có khoảng 7,4 triệu xe máy, trong đó lượng xe trên 10 năm sử dụng chiếm tới 67,89%. Đây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Trong trường hợp thành phố không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hàng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này với CO là 68.479 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 15,88 % trên một năm; với HC là 4.475 tấn/năm tương ứng với mức gia tăng là 12,85 % trên một năm.
Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô , xe gắn máy thì lượng khí thải giảm sẽ là 56.403 tấn CO/năm (13,1 % ) và 4.808 tấn HC/năm ( 13,8 % ). Do đó, việc kiểm soát khí thải xe máy , lượng khí thải độc hại thải ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều. Chất lượng môi trường không khí thành phố sẽ được cải thiện mạnh mẽ.
Trước tính cấp bách thực hiện Đề án, đơn vị nghiên cứu đề xuất phương án “ Kiểm soát hỗn hợp theo khu vực và năm sử dụng của xe ”. Cụ thể, kiểm soát kết hợp theo khu vực , trước tiên là khu vực trung tâm rồi mới tiến tới toàn thành phố, áp dụng với xe từ 5 năm sử dụng trở lên rồi mới tiến tới kiểm soát tất cả các xe. Trong giai đoạn đến 2025, TP sẽ kiểm soát các xe từ 5 năm sử dụng trở lên. Sau đó giai đoạn sau 2025 sẽ kiểm soát khí thải tất cả các xe.
Mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2026 - 2030 là tiếp tục nâng mức giới hạn tiêu chuẩn khí thải, mở rộng phân vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường nhằm điều chỉnh lưu thông của xe máy, tiến tới ngưng hoàn toàn hoạt động của phương tiện cá nhân ở các quận trung tâm khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các điều kiện tiếp cận đã đáp ứng.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là 553,06 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2024 chi 203,464 tỉ đồng; Giai đoạn 2025 - 2030 là 345,6 tỉ đồng. Dự kiến nguồn phí thu được từ Đề án và phương án đầu tư giai đoạn 2023 - 2024 là 348 tỉ đồng; giai đoạn từ 2025 trở đi, mỗi năm sẽ thu được 299 tỉ đồng, tổng thu đến 2030 là 2.142 tỉ đồng. Khoản chênh lệch gần 1.600 tỉ đồng sẽ nộp ngân sách, tái đầu tư lại đề án, các chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp, thu hồi các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải.
"Chính sách này không làm phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp, do việc quản lý kiểm soát khí thải của xe máy sẽ được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng và thống nhất về phương thức quản lý của phương tiện giao thông hiện hành , trừ việc phát sinh chi phí bảo dưỡng kỹ thuật hoặc sửa chữa phương tiện. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng , sửa chữa phương tiện; đảm bảo phương tiện tham gia giao thông an toàn , giảm thiểu phát thải ra môi trường góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí" - đề án nêu rõ.
Theo khảo sát, có tới hơn 76% người dân ủng hộ TP.HCM thực hiện Đề án kiểm soát mô tô, xe gắn máy để giảm ô nhiễm môi trường.
Bình luận (0)